Kinh tế chính trị

Chuyển đổi số phải thực chất, hiệu quả, tuyệt đối tránh hình thức
Ngày đăng 26/10/2022 | 10:18  | View count: 67776

Tại phiên họp thứ 2 của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia ngày 27/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương liên tục đổi mới, chứa đựng động lực mới, mở ra không gian phát triển mới. Có tư duy đột phá để có nguồn lực đột phá. Có tầm nhìn chiến lược với mục tiêu, mục đích phát triển rõ ràng, an toàn, bền vững, đúng trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp.

Chuyển đổi số phải thực chất, hiệu quả, tuyệt đối tránh hình thức - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu tại phiên họp thứ 2 của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia ngày 27/4 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung đánh giá các nhiệm vụ được triển khai trong thời gian qua, những kết quả đạt được, những việc chưa làm được, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan và bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.

Chuyển đổi số phải thực chất, hiệu quả, tuyệt đối tránh hình thức - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Việc ứng dụng công nghệ số, các số liệu được các bộ, ngành, địa phương cập nhật trên hệ thống giám sát và đánh giá đầu tư nên công việc "nhàn" hơn nhiều - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mở ra không gian phát triển mới

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trước đây, việc cập nhật số liệu, báo cáo về đầu tư công phải làm thủ công nên rất vất vả, chỉ cần 1 số liệu điều chỉnh là "toàn bộ xô lệch hết", cán bộ phải thường xuyên làm việc tới 4h sáng hôm sau. Tuy nhiên gần đây, với việc ứng dụng công nghệ số, các số liệu được các bộ, ngành, địa phương cập nhật trên hệ thống giám sát và đánh giá đầu tư nên công việc "nhàn" hơn nhiều. Hơn thế, nếu cập nhật đúng cách thì hệ thống báo xanh, sai cách thì hệ thống báo đỏ và không cho cập nhật. "Như thế là bảo đảm nhanh, kịp thời, chính xác, minh bạch, khách quan, không ai can thiệp được, kể cả Thứ trưởng hay Bộ trưởng", Bộ trưởng nói.

Chuyển đổi số phải thực chất, hiệu quả, tuyệt đối tránh hình thức - Ảnh 3.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tính đến nay, đã có hơn 11 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) đã phục vụ 52 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.136 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 412.000 hồ sơ, tài liệu giấy).

VPCP cũng phối hợp với các cơ quan xây dựng các bộ chỉ số và hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ công cụ giám sát trực tuyến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, để thúc đẩy thanh toán điện tử thì một mình ngành ngân hàng không thể làm được, mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành. Vị này lấy ví dụ, cho tới nay, gần 100% trong hơn 20 triệu hộ dân trên cả nước có thể thanh toán tiền điện trực tuyến bởi vì ngành điện trong 5 năm qua đã nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu với phía ngân hàng. Định danh trên môi trường mạng là việc quan trọng nhất để triển khai các việc khác.

Chuyển đổi số phải thực chất, hiệu quả, tuyệt đối tránh hình thức - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành bước đầu về kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu - ẢNh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành bước đầu về kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành giáo dục với CSDL quốc gia về dân cư, trong đó đã kết nối, trao đổi và đồng bộ dữ liệu về đội ngũ giáo viên với 1,3/1,4 triệu hồ sơ cán bộ đã được đồng bộ giữa 2 CSDL và khoảng 24 triệu học sinh, trong đó gần 1 triệu hồ sơ học sinh đang học lớp 12 sẽ kịp đồng bộ trước ngày 29/4/2022 để đưa vào sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học năm 2022.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng và áp dụng bắt đầu từ ngày 9/5/2022.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số đã tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu, trở thành nguồn lực cho kinh tế số phát triển, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước. Muốn chuyển đổi số phải cần nhanh chóng phát triển hạ tầng băng thông rộng, các nền tảng số quốc gia, địa phương do người Việt Nam làm chủ… trên cơ sở huy động tổng lực, cả hệ thống chính trị, toàn bộ đất nước cho chuyển đổi số.

Chuyển đổi số phải thực chất, hiệu quả, tuyệt đối tránh hình thức - Ảnh 5.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số đã tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu, trở thành nguồn lực cho kinh tế số phát triển, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 Đột phá đào tạo nhân lực chuyển đổi số

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi số thời gian qua.

Đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, ngành vẫn tư duy theo thói quen triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của bộ, ngành. Trong khi đó, chuyển đổi số đặt ra sứ mệnh mới cho các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, thêm nhiệm vụ điều phối, dẫn dắt chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực.

Mặt khác, các cơ quan nhà nước các cấp còn khó khăn do thiếu nhân lực chuyên môn, chưa mạnh dạn huy động chuyên gia về công nghệ thông tin, chuyên gia về chuyển đổi số cùng tham gia giải quyết vấn đề. Do đây là vấn đề mới, nên năng lực, kỹ năng hoạch định chính sách, điều phối, dẫn dắt của cán bộ, công chức chưa ngang tầm nhiệm vụ đặt ra, dẫn đến chủ trương, định hướng quốc gia chậm được cụ thể hóa ở mức chi tiết, ở mức thực thi xuống cơ sở. Nhiều nhiệm vụ cần sự chuyên nghiệp trong thực thi nhưng không có chuyên gia thực hiện.

Cùng với đó, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn chưa cao; tỉ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến còn thấp…

Nhân lực số là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập. Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật: Công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông, an toàn thông tin. Hằng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này vào khoảng hơn 50.000. Nếu tính cả đào tạo nghề ở bậc cao đẳng, trung cấp thì con số này vào khoảng hơn 62.000.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỉ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỉ lệ tương đối thấp so với một số quốc gia như Hoa Kỳ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%). Để nâng tỉ lệ lên tối thiểu 2%, Việt Nam cần đào tạo được tối thiểu 70.000 sinh viên đại học chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm, tăng khoảng 40% so với hiện nay. Không chỉ là vấn đề số lượng, chất lượng nhân lực cũng là thách thức lớn. Các công nghệ số đang có tốc độ phát triển nhanh, trong khi đó, chương trình đào tạo đang chưa theo kịp.

Để giải quyết vấn đề, nhiều quốc gia, điển hình là Hàn Quốc, Ấn Độ đã xác định phát triển đại học số là giải pháp quan trọng, đột phá để phát triển, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nhân lực số nói riêng. Đại học số, hiểu một cách đơn giản là chuyển đổi số giáo dục đại học, đưa toàn bộ hoạt động của trường đại học, của giảng viên, sinh viên lên môi trường số.

 

Chuyển đổi số phải thực chất, hiệu quả, tuyệt đối tránh hình thức - Ảnh 7.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và người dân đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số đã đề ra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 Không hình thức hay "đánh trống ghi tên"

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và người dân đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số đã đề ra, thu được những kết quả đáng mừng, tích cực.

"Dù còn vấn đề trong quá trình thực hiện chuyển đổi số nhưng những mặt tốt, tích cực vẫn đạt được nhiều hơn, tạo thuận lợi hơn cho người dân, DN; hoạt động điều hành, quản lý của Nhà nước tốt hơn. Lòng tin của người dân, DN, nhà đầu tư ngày càng cao", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng phê bình một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc khi tham gia cuộc họp của Ủy ban, và yêu cầu quán triệt tinh thần nhiệt huyết, cảm xúc, trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ được phân công thì mới có hiệu quả, "không hình thức", "không đánh trống ghi tên".

"Chúng ta cần hiệu quả, sản phẩm, cần DN, người dân được hưởng lợi", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, nhận thức tầm quan trọng về chuyển đổi số của các cấp, các ngành, các địa phương có chuyển biến, 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban, nhưng so với yêu cầu thực tế, hành động phải đẩy mạnh hơn nữa, bằng hành động thực chất.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quyết định về chuyển đổi số, trong đó có phê duyệt Ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Các cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai như CSDL quốc gia về dân cư được tích hợp, kết nối và mở rộng, làm giàu dữ liệu bao gồm: Dữ liệu bảo hiểm xã hội; gần 78 triệu thông tin công dân với trên 133 triệu mũi vaccine phòng COVID-19 được tiêm chủng; trên 570.000 thông tin dữ liệu về cán bộ, giáo viên; triển khai thí điểm chip điện tử gắn trên thẻ Căn cước công dân (CCCD); cấp trên 7 triệu số định danh cho trẻ em đăng ký khai sinh; thí điểm sử dụng thẻ CCCD trong khám chữa bệnh…

CSDL quốc gia về đất đai đang được tích cực triển khai; bước đầu thí điểm chia sẻ thông tin dữ liệu với CSDLQG về dân cư.

Các CSDL quốc gia khác như bảo hiểm, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp đã đi vào vận hành ổn định, đang mang lại hiệu quả tích cực.

Đóng góp của kinh tế số, theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tăng 500 doanh nghiệp so với năm 2021.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tiếp tục được triển khai tích cực, có hiệu quả. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, vừa qua triển khai Quyết định 06 đã tích hợp thêm 11/25 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và DN.

Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, quý I/2022 đã bồi dưỡng, tập huấn được gần 1.000 cán bộ, công chức và mục tiêu đến tháng 10/2022 sẽ bồi dưỡng, tập huấn được cho 10.000 cán bộ, công chức về chuyển đổi số.

Xã hội số, với trọng tâm là công dân số, được chú trọng phát triển. Một số ứng dụng Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu của người dùng Việt Nam, được đông đảo người dân sử dụng. Thủ tướng yêu cần đẩy nhanh tốc độ tăng công dân số để đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế.

Các hoạt động chuyển đổi số của Việt Nam được các cơ quan, định chế, tổ chức quốc tế quan tâm, đánh giá tích cực và dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nước dẫn đầu về chuyển đổi số trong khu vực ASEAN.

 

Chuyển đổi số phải thực chất, hiệu quả, tuyệt đối tránh hình thức - Ảnh 8.

 

Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, nhận thức tầm quan trọng về chuyển đổi số của các cấp, các ngành, các địa phương có chuyển biến - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng nêu một số tồn tại, hạn chế.

Trước hết là nhận thức về chuyển đổi số chưa toàn diện, đồng đều ở các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, "nhiều khi còn hình thức", "cần cương quyết loại bỏ".

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách còn chậm, thiếu sự phối hợp, chưa chủ động, cần phải nỗ lực nhiều hơn, nhất là huy động DN, người dân vào công tác xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách.

Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, hiệu quả sử dụng còn hạn chế. Tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mới gần 54% và hồ sơ xử lý trực tuyến còn thấp, khoảng 9,4%.

Chưa hình thành được hệ sinh thái công dân số dẫn đến người dân vẫn chưa được thụ hưởng nhiều tiện ích quan trọng mang lại như y tế, giáo dục, bảo hiểm, ngân hàng, giao thông… để giúp mọi người bình đẳng về cơ hội phát triển, cơ hội hưởng thụ như nhau về kết quả chuyển đổi số.

Các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành triển khai chưa đáp ứng được tiến độ đề ra. Nhiều nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, nền tảng thanh toán điện tử triển khai chậm. Việc kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả.

An toàn, an ninh mạng còn sơ hở. Công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ dữ liệu người dân còn chưa được chú trọng đúng mức. "Bên cạnh sự phát triển của công nghệ số thì an toàn, an ninh rất quan trọng", Thủ tướng lưu ý.

Công tác đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin ở nhiều nơi vẫn chưa được chú trọng. Nguồn lực triển khai Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số còn hạn chế.

Thủ tướng cho rằng trong chuyển đổi số, CSDL là rất quan trọng nhưng nhiều năm qua các bộ, ngành chưa quan tâm đúng mức đến việc tích lũy CSDL, làm cơ sở hình thành CDSL lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI).

 

Chuyển đổi số phải thực chất, hiệu quả, tuyệt đối tránh hình thức - Ảnh 9.

 

Thủ tướng giao nhiệm vụ trọng tâm cho các bộ, ngành, địa phương tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 Liên tục đổi mới, tư duy đột phá

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, gắn với đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, trong sự phát triển chung của đất nước.

"Đây là vấn đề khó nhưng không thể không làm và cần lựa chọn nhiệm vụ ưu tiên, sắp xếp nguồn lực, thời gian, sự chỉ đạo, lãnh đạo, kiểm tra giám sát, phù hợp với tình hình", Thủ tướng nói và nhấn mạnh "muốn làm được, trước hết tư tưởng phải thông thì nhận thức mới chuyển biến, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có hiệu quả, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, có niềm tin, nền tảng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, chắc chắn hơn".

Trong mỗi quý, mỗi 6 tháng, mỗi năm, công tác chuyển đổi số phải có những sản phẩm nhất định, hiệu quả cụ thể lượng hoá được.

Phương châm thực hiện chuyển đổi số là nhanh nhất có thể, nhiều nhất có thể, hiệu quả nhất có thể, kịp thời nhất có thể với những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn cuộc sống. Phát triển có lộ trình, mục tiêu, an toàn, bền vững.

Về quan điểm thực hiện chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương liên tục đổi mới, tạo ra động lực mới, mở ra không gian phát triển mới. Có tư duy đột phá để có nguồn lực đột phá để "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể". Có tầm nhìn chiến lược với mục tiêu, mục đích phát triển rõ ràng, an toàn, bền vững, đúng trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước. Trong quá trình phát triển phải kế thừa, đổi mới, gắn với đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khoa học công nghệ để có thể bắt kịp những vấn đề nảy sinh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Các bộ, ngành, địa phương cần phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, nhất là hợp tác công-tư.

Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nói đi phải đôi với làm và phải có hiệu quả, sản phẩm cụ thể.

Sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, nhưng tài nguyên chuyển đổi số càng khai thác càng hiệu quả, càng phát triển.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công tác giám sát, kiểm tra

Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, chia sẻ rủi ro.

Theo dõi, xem xét, đo lường để khen thưởng kịp thời cơ quan, đơn vị làm tốt, nhân rộng mô  hình hay; phê bình, kiểm điểm những nơi làm chưa tốt.

Trong quý II/2022, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành và Ban chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Kế hoạch năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, trên tinh thần "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, hành động phải quyết liệt, có hiệu quả, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó".

 

Chuyển đổi số phải thực chất, hiệu quả, tuyệt đối tránh hình thức - Ảnh 10.

 

Thủ tướng đồng ý chủ trương huy động chuyên gia chuyển đổi số, thúc đẩy hợp tác quốc tế; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tọa đàm làm rõ các vấn đề mới, khó để nâng cao nhận thức trong chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm

Về một số nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất thành lập bộ phận giúp việc của Ủy ban có hiệu quả nhưng không làm tăng thêm đầu mối về tổ chức, bộ máy, biên chế, từ đó hình thành tổ giúp việc ban chỉ đạo các cấp. Hoàn thành đánh giá, công bố chính thức danh sách các nền tảng số đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành triển khai hệ thống phục vụ thống kê, theo dõi dự án đầu tư công cho chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan nghiên cứu việc triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng. "Đoàn Thanh niên cần tập trung thực hiện các phong trào có trọng tâm trọng điểm như học tập ngoại ngữ, tin học chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, gắn với lợi ích quốc gia, lợi ích của từng cá nhân, tạo xung lực, động lực cho mỗi người", Thủ tướng lưu ý thêm.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Nâng cao chất lượng nhân lực làm công nghệ thông tin chuyên trách.

Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử, trình Chính phủ ban hành trong tháng 5/2022.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ, xác thực thông tin công dân. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động VNEID, nhằm định hình hệ sinh thái công dân số để phục vụ nhu cầu định danh, xác thực thông tin của người dân theo hướng người dân có thể được định danh và xác thực điện tử dễ dàng thông qua môi trường mạng.

Văn phòng Chính phủ tập hợp, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các chương trình chung của Ủy ban; tiếp thu các ý kiến phát biểu, hoàn thiện tài liệu phiên họp chất lượng, ngắn gọn, súc tích, bao quát, tổng hợp, dễ hiểu, dễ nghe, dễ tuyên truyền, dễ nói, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá.

Tập trung, xây dựng, phát triển, đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thời gian thực, có các công cụ phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số.

Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng chấp nhận thanh toán viện phí, thanh toán các khoản chi phí khám chữa bệnh theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở đào tạo sẵn sàng chấp nhận thanh toán học phí theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan triển khai mô hình "Giáo dục đại học số", hoàn thành Đề án thí điểm trong quý 2/2022.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với với Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại số.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ sở dữ liệu để người nông dân có thể khai thác trong nuôi, trồng, sử dụng đất đai có hiệu quả, có thị trường, có liên kết.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành tham mưu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phương án đổi tên đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ phù hợp, đúng với nội hàm chuyển đổi số.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chuyển đổi số, thực hiện chức năng nhiệm vụ, trong đó nắm được tình hình đầu tư, phân tích được tính kịp thời, hiệu quả, đúng chủ trương của các dự án đầu tư.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan chủ quản thí điểm thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả đồng vốn thông qua hệ thống điện tử.

Các bộ, ngành, địa phương ban hành hoặc cập nhật kế hoạch hành động đến năm 2025 của cấp chính quyền với đầy đủ 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, phù hợp với các chiến lược quốc gia, tình tình của cơ quan, đơn vị mình.

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch hành động năm 2022 để thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban, theo từng quý.

Triển khai thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2022 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022.

Đối với việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa cấp bộ, cấp tỉnh phải được triển khai ngày từ ngày 01/6/2022. Riêng 25 dịch vụ công thiết yếu triển khai theo yêu cầu Quyết định 06/QĐ-TTg thực hiện số hóa từ ngày 01/7/2022.

Thủ tướng đồng ý chủ trương huy động chuyên gia chuyển đổi số, thúc đẩy hợp tác quốc tế; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tọa đàm làm rõ các vấn đề mới, khó để nâng cao nhận thức trong chuyển đổi số, hiểu được lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, giám sát việc thực hiện chính sách.

Thủ tướng nêu rõ: Cần tập trung nâng cao nhận thức chuyển đổi số một cách thực chất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách huy động nguồn lực, phát triển hạ tầng số trọng tâm, trọng điểm, triển khai hiệu quả đầu tư công, vận dụng cải cách hành chính, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, hợp tác quốc tế, vận dụng các quy định pháp luật sáng tạo, linh hoạt, có hiệu quả.

Theo chinhphu.vn