Kinh tế chính trị

Đưa tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ công trực tuyến lên 40%
Ngày đăng 05/08/2024 | 11:03  | View count: 102

Một nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong các tháng cuối năm 2024 là thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, với mục tiêu đến cuối năm tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ công trực tuyến đạt 40%.

Bước tiến dài về cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Dịch vụ công trực tuyến đã được xác định là trọng tâm của giai đoạn phát triển Chính phủ điện tử. Sau 20 năm triển khai, Chính phủ, Bộ TT&TT đã nhận thức rõ sự cần thiết phải thay đổi căn bản việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam để đại đa số người dân sử dụng được. Toàn trình và chất lượng đã được xác định là 2 yếu tố căn bản, cần có bước đột phá trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT), trong các tháng đầu năm nay, hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, trong 2 quý đầu năm 2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 42%, tăng gấp 2,5 lần so với cuối năm 2023; tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình toàn quốc đạt 55,5%, trong đó khối bộ đạt 59,68% và khối địa phương đạt 55,38%.

Nhìn lại cả hành trình dài triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phân tích của Cục Chuyển đổi số quốc gia chỉ ra rằng: năm 2010, cả nước chỉ có 4 dịch vụ công trực tuyến mức cao nhất, chiếm 0,004% tổng số dịch vụ công và tốc độ tăng trưởng rất chậm trong giai đoạn 10 năm tiếp theo.

Từ sau thời điểm tháng 6/2020, khi Chương trình chuyển đổi số quốc gia bắt đầu được thực hiện, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến có bước tăng trưởng đột phá khi tăng trưởng hằng năm bằng cả giai đoạn 10 năm trước đó. Hiện nay, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình của cả nước đạt trên 55%, tăng gấp 5 lần so với giai đoạn 10 năm trước.

Cùng với đó, hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng đã có bước tiến ấn tượng trong hơn 4 năm Chương trình chuyển đổi số quốc gia được triển khai. Theo thống kê, năm 2019, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức cao nhất trong tổng số hồ sơ thủ tục hành chính mới chỉ đạt 5%; tính đến trung tuần tháng 7/2024, tỷ lệ này đạt 43%, tăng hơn 8 lần.

"Đặc biệt, nếu như năm 2019, người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở đâu thì phải tạo tài khoản ở đó. Hiện nay, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương", Cục Chuyển đổi số quốc gia cho hay.

Đề xuất các giải pháp để tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ công trực tuyến

Tuy vậy, theo đánh giá của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Bộ TT&TT với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiện chưa cao. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Để thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thời gian qua, Bộ TT&TT đã thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Đáng chú ý, đến nay, hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (còn gọi là hệ thống EMC) do Bộ TT&TT vận hành, đã kết nối với 100% hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ ngành, địa phương để giám sát trực tuyến.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó có yếu tố kỹ thuật, công nghệ. Việc Bộ TT&TT mới đây đã đánh giá và công bố chất lượng các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh năm 2024, cũng là nhằm giúp các bộ, ngành, địa phương nhìn rõ hiện trạng, thấy được những tồn tại, hạn chế để nâng cấp hệ thống, giải quyết đảm bảo yếu tố kỹ thuật cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Anh-tin-bai

Mục tiêu hướng tới là đến cuối năm 2025 tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 80% với các bộ, ngành và đạt tối thiểu 95% với các địa phương. Ảnh minh họa: M.Tuấn

Định hướng công tác chuyển đổi số các tháng cuối năm nay, trong kết luận hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 và về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, một việc Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung là: đến hết năm 2024, đưa tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 80%; 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính.

Với vai trò cơ quan điều phối triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia và các chiến lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Bộ TT&TT cũng đã xác định 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm nay là nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Mục tiêu đặt ra đến cuối năm nay là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của các bộ, ngành đạt 65% và đạt tối thiểu 30% với các địa phương; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình vào cuối năm 2024 cần đạt 70% với các bộ, ngành và đạt tối thiểu 85% đối với các địa phương.

Các giải pháp Bộ TT&TT đề xuất các bộ, ngành, địa phương tập trung trong thời gian sắp tới để nâng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình gồm có: triển khai kho dữ liệu số cho tổ chức, người dân làm thủ tục hành chính; số hóa hồ sơ khi người dân làm thủ tục hành chính; số hóa các kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Những giải pháp cần thực hiện để đạt mục tiêu đặt ra về tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình là: các bộ, ngành rà soát, tái cấu trúc quy trình các thủ tục hành chính với những dịch vụ chưa triển khai; các địa phương chủ động rà soát, tái cấu trúc quy trình và chọn các thủ tục hành chính đủ điều kiện thuộc thẩm quyền để triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Về nâng cao chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, mục tiêu đặt ra là đến hết tháng 12/2024, hệ thống của 5 bộ và 39 địa phương ở mức C sẽ đạt mức A và hệ thống các bộ, ngành, địa phương ở mức D, E sẽ đạt mức B.

Muốn vậy, bên cạnh vai trò đôn đốc, thúc đẩy, tư vấn, hỗ trợ của Bộ TT&TT, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng triển khai các giải pháp: kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu, nhất là với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và nền tảng VNeID; rà soát, cập nhật, nâng cấp hệ thống đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật; triển khai các biểu mẫu điện tử tương tác.

Nguồn: vietnamnet.vn