Kinh tế chính trị

Khai mạc Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất
Ngày đăng 15/01/2019 | 08:30  | View count: 70145

Cần tích hợp khía cạnh văn hóa với các sản phẩm thổ cẩm gắn với từng vùng miền, từng cộng đồng vào chiến lược phát triển du lịch

Tối 14/1, tại Khu đảo nổi-Hồ Gia Nghĩa, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất đã chính thức khai mạc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ hội. Ảnh: Ngọc Tâm

Dự lễ khai mạc, về phía Trung ương có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban ngành; Đại sứ, Tổng lãnh sự các nước Campuchia, Lào, Indonesia. Về phía địa phương có các đồng chí: Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ  tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đình Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thị xã…

Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I có sự tham dự của 18 tỉnh, thành trong cả nước: Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, An Giang, Ninh Thuận, Bình Phước, Cà Mau; đại diện Ban quản lý Công viên địa chất các tỉnh Đắk Nông, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Nam, Gia Lai và 3 nước bạn Lào, Campuchia, Indonesia… Lễ hội thu hút hơn 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng là đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia.

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội phát biểu khai mạc Lễ hội. Ảnh: Ngọc Tâm

Với chủ đề "Văn hóa thổ cẩm-Tinh hoa hội tụ", lễ khai mạc đã tái hiện quá trình hình thành, phát triển và ý nghĩa của văn hóa thổ cẩm đối với đời sống của đồng bào các dân tộc với 3 chương: "Cao nguyên M'nông huyền thoại", "Dòng chảy hoa văn", "Văn hóa Đắk Nông thăng hoa cùng sự nghiệp phát triển và đổi mới của đất nước". Cùng với chiêm nghiệm lại hành trình của thổ cẩm Việt Nam, người dân, du khách còn có dịp thưởng thức giọng ca của những ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam cùng các ban nhạc nổi tiếng.

Phát biểu khai mạc lễ hội, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội nhấn mạnh: Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I tỉnh Đắk Nông là một hoạt động văn hóa du lịch đa dạng, phong phú nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa làng nghề còn được lưu truyền đến ngày nay. Đây không chỉ là dịp để quảng bá, giới thiệu và khắc họa dấu ấn văn hóa du lịch trong lòng du khách trong và ngoài nước mà còn là dịp để các nghệ nhân, dân tộc thiểu số trong tỉnh nói riêng và cả nước có cơ hội giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm và thắt chặt tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc.

Tiết mục biểu diễn tại Lễ hội của Đoàn nghệ nhân các dân tộc Đắk Nông. Ảnh: Ngọc Tâm

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các bộ, ngành, nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tích hợp khía cạnh văn hóa với các sản phẩm thổ cẩm gắn với từng vùng miền, cộng đồng vào chiến lược phát triển du lịch, nhất là các mô hình du lịch văn hóa, cộng đồng, trải nghiệm miền núi từ Tây Bắc, Đông Bắc đến Tây Nguyên. Mỗi tấm thổ cẩm đều hàm chứa những câu chuyện đặc sắc về lịch sử, bản sắc văn hóa, phản ánh giá trị thẩm mĩ làm nên sự đa dạng về văn hóa của 54 dân tộc anh em. Các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương phải góp phần xây dựng chiến lược truyền thông về thổ cẩm Việt Nam một cách hiệu quả đến người dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Bộ Công thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ngành thời trang, dệt may, ngành du lịch cần hợp tác với các địa phương có thế mạnh về thổ cẩm. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu đưa chất liệu thổ cẩm vào quy trình sản xuất sản phẩm thổ cẩm và thời trang.

Tiết mục biểu diễn tại Lễ hội của Đoàn nghệ nhân các dân tộc Đắk Nông. Ảnh: Ngọc Tâm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ngành công nghiệp thời trang của nước ta hiện nay đã được quốc tế quan tâm, đánh giá cao. Chính phủ sẽ nghiên cứu một cơ chế, chính sách nhằm nâng cao việc bảo tồn các giá trị thổ cẩm truyền thống; kiên quyết không chấp nhận sự lai căng, làm giả, làm dối trong việc sản xuất, kinh doanh thổ cẩm, ảnh hưởng đến sinh kế, niềm tin của những người làm thổ cẩm đích thực. Đặc biệt, Chính phủ kêu gọi tinh thần khởi nghiệp trong đồng bào, nhất là thanh niên trong việc đánh thức tiềm năng kinh doanh thổ cẩm. Bảo tồn và phát triển thổ cẩm không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là sứ mệnh đối với một di sản văn hóa vật thể và là cầu nối văn hóa với bạn bè quốc tế. Thổ cẩm còn là sinh kế của nhiều người dân nên cần chung tay đưa thổ cẩm Việt Nam đến với nhân dân, du khách. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thổ cẩm Việt Nam ra thế giới và làm cho mỗi tấm thổ cẩm như là một sứ giả văn hóa của 54 dân tộc anh em.

Nguồn "Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo Đắk Nông"