Kinh tế chính trị

Tết truyền thống của đồng bào DTTS: Cần có những chính sách cụ thể
Ngày đăng 07/01/2020 | 09:57  | View count: 33509

Những năm gần đây, đời sống của đồng bào các DTTS đã và đang được cải thiện, việc gắn kết cộng đồng, tìm hiểu cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc đang trở thành nhu cầu không thể thiếu. Người dân ở cơ sở có nguyện vọng được ăn tết truyền thống của dân tộc mình. Vì vậy, việc tôn trọng, lưu giữ và tổ chức đón tết truyền thống của đồng bào các DTTS là điều cần thiết.

Cần sớm có chính sách về lễ tết cổ truyền của đồng bào DTTS để bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc. (Trong ảnh: Trò chơi đẩy gậy được tổ chức trong các dịp lễ Tết của đồng bào DTTS)

Cần sớm có chính sách về lễ tết cổ truyền của đồng bào DTTS để bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc. (Trong ảnh: Trò chơi đẩy gậy được tổ chức trong các dịp lễ Tết của đồng bào DTTS)

Tết trong đời sống đồng bào DTTS

Hiện nay, các DTTS ở Việt Nam có 3 hình thức đón tết. Đó là ăn Tết Nguyên đán, gồm 29 dân tộc (như dân tộc Mường, Thổ, Khơ-mú, Tày, Thái, Nùng…); đón tết năm mới theo lịch riêng của dân tộc mình (như dân tộc Mông ở Tây Bắc với tết Nào Pồ Trầu; người Hà Nhì ở Lai Châu với tết Hồ Sự Chà, người Khmer Nam bộ với tết Chôl Chnăm Thmây…); ăn cả tết Nguyên đán và tết cổ truyền của dân tộc (như dân tộc Tà-ôi, dân tộc Bru - Vân Kiều).

Theo TS.Nguyễn Thị Dung (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), thực tế hiện nay, nhận thức về tết và thực hành văn hóa tết ở nước ta cơ bản còn nhiều điểm chưa thật sự phù hợp. Một số địa phương vùng Tây Bắc còn tình trạng vận động đồng bào DTTS ăn tết theo Tết Nguyên đán. Điều này có thể giảm tiêu tốn, lãng phí về mặt kinh tế, nhưng về góc độ văn hóa truyền thống sẽ dần mai một. Một bộ phận công chức, viên chức, người lao động là người DTTS trong các doanh nghiệp sống xa nhà, muốn đón tết cùng gia đình theo truyền thống cha ông thì phải xin nghỉ phép chứ không được nghỉ theo chế độ nghỉ tết. 

TS.Nguyễn Thị Dung cho biết thêm, thời điểm tổ chức tết cổ truyền của các dân tộc ở Việt Nam diễn ra không giống nhau. Vì vậy, người lao động các DTTS rất khó tham dự ngày lễ tết của dân tộc mình. Từ đó, lễ tết các DTTS sẽ dần mất đi môi trường tồn tại. Điều đó, làm cho tết của các DTTS dần mai một, mất đi bản sắc văn hóa. Nguyên nhân chính của thực trạng này, là do chúng ta còn thiếu cơ chế bảo vệ di sản văn hóa lễ tết truyền thống của các dân tộc. 

Cần có chính sách về tết cho các DTTS 

TS.Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng, trong văn hóa tộc người, không có nền văn hóa cao và nền văn hóa thấp, không có tộc người thông minh và tộc người lạc hậu. Tết đón năm mới hàm chứa giá trị truyền thống của từng tộc người. Đồng thời, ngày tết còn mang dấu ấn, bản sắc văn hóa phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của các tộc người. Ngày tết không chỉ được xem xét, đánh giá dưới góc độ kinh tế đơn thuần, mà cần được đánh giá dưới góc độ di sản văn hóa đặc sắc.

Vì vậy, cần có chính sách về tết; trong đó cần nêu rõ về quyền nghỉ tết truyền thống của DTTS, thời gian nghỉ tết và các chính sách khác liên quan đến việc tổ chức tết như, chế độ thăm hỏi, nghi lễ chúc tết của lãnh đạo, vấn đề hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các vùng khó khăn, về bố trí ngân sách địa phương chi cho các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống cộng đồng…

"Trong chính sách về tết, cần tôn trọng quyền tổ chức tết truyền thống của đồng bào DTTS", TS.Sơn nhấn mạnh.

Có thể nói, lễ tết ra đời và tồn tại cùng với lịch sử phát triển của các cộng đồng, góp phần tạo nên sự phong phú và đa dạng trong đời sống xã hội của loài người. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển lễ tết cổ truyền cần được quan tâm và có những chính sách cụ thể.

 

Trong văn hóa tộc người, không có nền văn hóa cao và nền văn hóa thấp, không có tộc người thông minh và tộc người lạc hậu. Tết đón năm mới hàm chứa giá trị truyền thống của từng tộc người. "

TS.Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa

dân gian ứng dụng

trích nguồn: Báo dân tộc