Kinh tế chính trị

Tổ Công nghệ số cộng đồng có tên trong Mạng lưới chuyển đổi số
Publish date 10/01/2024 | 14:17  | View count: 3763

Trong Đề án mới phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ đã xác định quan điểm hình thành Mạng lưới chuyển đổi số rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có Tổ Công nghệ số cộng đồng.

Hình thành mạng lưới chuyển đổi số từ Trung ương đến cơ sở

Đề án "Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1690 ngày 26/12.

Việc Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong bối cảnh hiện nay đã một lần nữa cho thấy quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với công cuộc chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 52 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đề án được phê duyệt cũng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của đơn vị chuyên trách về CNTT, chuyển đổi ở Trung ương và địa phương, cũng như tính chính thống của đơn vị chuyên trách về CNTT, chuyển đổi số trong việc điều phối toàn bộ Mạng lưới chuyển đổi số rộng khắp đến tận cơ sở.

Cụ thể, Đề án đã xác định rõ 3 quan điểm cốt lõi, đó là kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số trên nguyên tắc không làm tăng biên chế cán bộ, công chức và không làm tăng tổ chức, bộ máy của cơ quan nhà nước.

Hình thành Mạng lưới chuyển đổi số rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở có sự tham gia của cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân để huy động tối đa các nguồn lực xã hội, thu hút toàn dân tham gia chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt là Mạng lưới chuyển đổi số).

Cùng với đó, bố trí đủ nguồn lực để phát triển, vận hành, duy trì các nền tảng số và các bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số.

Anh-tin-bai
Đến năm 2030, Mạng lưới chuyển đổi số được hình thành, hoạt động hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số quốc gia (Ảnh minh họa)

Định hướng đến năm 2030 là Mạng lưới chuyển đổi số được hình thành, hoạt động hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số quốc gia; 100% đội ngũ nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương hằng năm được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm.

Năm mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2025 cũng được vạch ra, bao gồm: 100% bộ, ngành, địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị chuyên trách CNTT để tăng cường thực hiện nhiệm vụ, giải pháp mới về chuyển đổi số; 100% đơn vị chuyên trách CNTT của các bộ, ngành, địa phương được tăng cường bố trí biên chế từ nguồn biên chế được giao của cơ quan đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ, giải pháp mới về chuyển đổi số;

100% bộ, ngành và UBND cấp tỉnh, huyện, xã chú trọng bố trí bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị; 100% các tổ chức, cá nhân trong Mạng lưới chuyển đổi số được tiếp cận và sử dụng các nền tảng số và bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số; nghiên cứu, xây dựng, phát triển và phổ biến các nền tảng số và bộ công cụ phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số.

Cùng với đề xuất thực hiện đồng bộ 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Đề án. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương sẽ trực tiếp chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả triển khai Đề án.

Tổ Công nghệ số cộng đồng được công nhận chính thức

Đề cập đến giá trị to lớn mà Đề án "Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" mang lại với công cuộc chuyển đổi số, Bộ TT&TT đánh giá, lần đầu tiên, mạng lưới chuyển đổi số từ Trung ương đến cơ sở được hình thành, bao gồm cả cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã và các Tổ Công nghệ số cộng đồng.

Trong đó, cấp bộ, cấp tỉnh, huyện tăng cường biên chế từ nguồn biên chế hiện có cho chuyển đổi số để thực hiện các nhiệm vụ mới về chuyển đổi số. Cấp xã phân công, bố trí cán bộ đầu mối. Tổ Công nghệ số cộng đồng trở thành khái niệm được công nhận chính thức sau 2 năm thí điểm triển khai. Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Chuyển đổi số quốc gia là cơ quan điều phối chung hoạt động Mạng lưới chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, cũng lần đầu tiên, việc xây dựng, phát triển, phổ biến các nền tảng số và bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số được xác định rõ.

"Quan trọng là, nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án được ngân sách nhà nước bảo đảm. Đặc biệt, chi cho hoạt động điều phối mạng lưới, kinh phí vận hành, duy trì các nền tảng số và bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc được bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước. Bố trí đủ nguồn lực để phát triển, vận hành, duy trì các nền tảng số và các bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc, phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số", Bộ TT&TT cho hay.

Nguồn: vietnamnet.vn