Asset Publisher

Chính thức khai mạc Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam 2022
Publish date 11/10/2022 | 15:42  | View count: 40769

Sáng ngày 11/10/2022, tại Hà Nội, Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam 2022 (Vietnam International Digital Week-VIDW2022) với chủ đề "Đối tác toàn cầu vì tương lai số bền vững" (Global Partnership for the Sustainable Digital Future) do Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam chủ trì tổ chức chính thức khai mạc. 

Tham dự sự kiện có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara và hơn 350 đại biểu là lãnh đạo các Bộ chuyên ngành, các cơ quan quản lý, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp công nghệ số của các nước ASEAN và các nước đối thoại, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

 

20221011-m01.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam 2022

Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, "cuộc di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là công cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại và cũng là thách thức nhất đối với nhân loại. Do đó, chuyển đổi số là nội dung chính trong Tuần lễ số Quốc tế 2022 được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội, Việt Nam".

Trong thế giới số, chúng ta sẽ gần nhau hơn, ảnh hưởng lẫn nhau sẽ lớn hơn, vì vậy, chúng ta sẽ phải học thêm để sống cùng nhau. Khả năng chung sống hòa bình cùng nhau là thước đo văn minh của nhân loại. Không gian số - một không gian sống mới, một môi trường sống mới sẽ cần đến những nguyên tắc mới, luật lệ mới, văn hóa mới. Cái mới thì không có ai đi trước để dạy bảo, mà chỉ còn cách là trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Đây chính là lý do để lựa chọn chủ đề cho Tuần lễ số Quốc tế đầu tiên là: Đối tác toàn cầu vì một tương lai số bền vững.

Sáng kiến này lần đầu được tổ chức tại Việt Nam và chúng ta sẽ duy trì để nó trở thành sự kiện thường niên của các nước ASEAN. Chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi về chuyển đổi số, thể chế số, hạ tầng số, công nghệ số, nền tảng số, ứng dụng số, nhân lực số, an toàn số và hợp tác số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam bày tỏ.

Hợp tác số để tạo ra một ASEAN số

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 5G là một cú huých lớn để nhân loại chuyển lên môi trường số. Di động và băng rộng vẫn là chủ đề chính của viễn thông. Công nghệ số muốn phát huy thì cần hạ tầng số, đó là 5G, là điện toán đám mây. Các nước ASEAN, từ năm 2019, đã tổ chức hội nghị thường niên về 5G. ASEAN cam kết đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ mới. Không có lý do gì mà chúng ta lại đi sau. Cái mới luôn là cơ hội cho những nước đi sau vượt lên phía trước.

Hợp tác số giữa các nước ASEAN là để tạo ra một ASEAN số. Để thực hiện One ASEAN thì chuyển đổi số và hợp tác số là lời giải tốt nhất. Việt Nam mong muốn ký kết hợp tác đối tác số với các nước ASEAN và các nước khác. Hợp tác đối tác số là một kiểu hợp tác mới. Trong khuôn khổ Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam 2022, sẽ có các diễn đàn Việt Nam - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản và Việt Nam - Hàn Quốc để bàn về phát triển đối tác số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

20221011-m06.jpg

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ khai mạc

Chính phủ số đóng vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Việt Nam đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, các từ khóa quan trọng nhất về một quốc gia số gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chính phủ số đóng vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi số của quốc gia, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đưa ra đề xuất các nước cùng nhau hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực như: xây dựng chính sách số, phát triển kỹ năng số, an toàn an ninh mạng, đo lường kinh tế số.

Việt Nam mong muốn được nghe các kinh nghiệm về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó có việc đánh thuế đối với thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng số, xây dựng các nền tảng chung về kỹ năng số, đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các công nghệ mới như AI, In 3D…

Một lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn hợp tác với các nước là an toàn an ninh mạng. Các nước cùng nhau chia sẻ các thông tin về các cuộc tấn công mạng hay các mối đe dọa tấn công mạng theo thời gian thực, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin về các mối đe dọa giữa các quốc gia nhằm tạo nên không gian mạng an toàn hơn.

Liên quan đến kinh tế số, Việt Nam muốn các nước cùng hợp tác xây dựng khuôn khổ và phương pháp chung để đo lường đóng góp của kinh tế số trong GDP và để so sánh quy mô nền kinh tế số của các nước với nhau. Việt Nam đã thí điểm đưa ra thước đo đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế, mong các nước khác cũng chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực và tri thức để thành lập nhóm công tác chung về vấn đề này.

20221011-m12.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại sự kiện

Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara chia sẻ, chính phủ Lào cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội thông qua việc tăng tốc chuyển đổi số và áp dụng công nghệ. Năm 2021, tại Kỳ họp Quốc hội, Chính phủ Lào đã thông qua Tầm nhìn 20 năm về phát triển kinh tế số (2021-2040), Chiến lược 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển quốc gia số 5 năm (2021-2025). Kế hoạch phát triển nói trên đã đưa ra 8 ưu tiên chiến lược và 14 chương trình nhằm thúc đẩy cải thiện năng suất thông qua chuyển đổi số trong cả khu vực hành chính công và khu vực tư nhân cũng như khuyến khích hợp tác với các đối tác bên ngoài và các bên liên quan. Lào cũng đã cải thiện một số khuôn khổ quy định và chính sách để nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp kỹ thuật số và cho phép các doanh nghiệp nhỏ và vừa và công ty khởi nghiệp tiếp cận các quỹ đầu tư và thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp.

 

Ông Jesus Lavina, đại diện Liên minh Châu Âu tại Việt Nam chia sẻ về sáng kiến La bàn số 2030 của EU. Sáng kiến này gồm 4 trụ cột chính: Chính phủ, Cơ sở hạ tầng, Kỹ năng, Kinh doanh với những mục tiêu cụ thể. Về kỹ năng, đến năm 2030 sẽ có 20 triệu chuyên gia ICT, ít nhất 80% dân số có kỹ năng số cơ bản. Về chính phủ, cung cấp 100% dịch vụ chủ chốt theo hình thức dịch vụ công trực tuyến, 100% hồ sơ y tế điện tử, 80% dân số sử dụng định danh số (digital ID). Về cơ sở hạ tầng, 5G phủ sóng mọi nơi. Về kinh doanh, 75% công ty châu Âu sử dụng Ai/dữ liệu lớn/ đám mây; Hỗ trợ tài chính để tăng gấp đôi số công ty unicorn. 

Chia sẻ về Chiến lược số của Hàn Quốc, ông Lee Byoung Moog, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác CNTT Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc hiện đang đầu tư khá lớn cho ICT, chiếm khoảng 12,9% GDP. Hàn Quốc đang đầu tư nhiều nhất cho dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), hạ tầng, đám mây, đặc biệt quan tâm đến xây dựng hệ sinh thái liên quan đến AI, thúc đẩy sử dụng dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Số hóa góp phần giải quyết các thách thức Hàn Quốc đang phải đương đầu, tạo đà cho đất nước cất cánh trong tương lai. 

Ông Atsushi Umino, đại diện Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản chia sẻ về tình hình triển khai 5G. Đến năm 2020, 30% dân số Nhật Bản đã được phủ sóng 5G, mục tiêu đến cuối năm 2023, 95% dân số nước này sẽ được phủ sóng 5G. Muốn đạt được mục tiêu này, chính phủ Nhật Bản sẽ phải ban hành những chính sách nhằm tăng cường phân bổ tần số 5G. Tính đến năm 2021, hơn 99% hộ gia đình Nhật Bản đã được kết nối với cáp quang. Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các nước ASEAN liên quan đến việc phủ sóng 5G và phát triển hạ tầng, đại diện Nhật Bản khẳng định.

 

20221011-m07.jpg

Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara phát biểu tại sự kiện

*Trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam 2022 (Vietnam International Digital Week-VIDW2022), ngay sau Phiên toàn thể, diễn ra Hội nghị ASEAN về 5G. Đây là sáng kiến của Việt Nam, được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thông báo tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và CNTT ASEAN 2018, nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư, phát triển công nghệ, dịch vụ và ứng dụng 5G. Mục tiêu của Hội nghị lần này là nhằm thảo luận về phương hướng thúc đẩy triển khai 5G và trao đổi các khuyến nghị về Lộ trình thực hiện 5G cho ASEAN trong giai đoạn từ nay đến 2025.

Việc thành lập Nhóm chuyên trách ASEAN về phòng chống tin giả (TFFN) cũng là một sáng kiến của Việt Nam, được các nước ASEAN ủng hộ và đánh giá cao. Tại cuộc họp lần này của TFFN, các nước sẽ trao đổi về cơ chế, chính sách, kinh nghiệm xử lý tin giả, thảo luận về việc xây dựng cơ chế hợp tác đặc trách giữa các nước ASEAN để xử lý và giảm thiểu tác hại về tin giả trong khu vực.

Bên cạnh các hoạt động với chủ đề "Đối tác toàn cầu vì tương lai số bền vững", trong các ngày từ 12-14/10/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các tổ chức quốc tế như Unesco, ITU, WB tổ chức các diễn đàn chuyên môn với các chủ đề khác nhau: Diễn đàn Chuyển đổi số vì một xã hội số mở rộng; Chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp và sản xuất thông minh; Phát triển kết nối số hướng đến quan hệ đối tác số; Diễn đàn Kỹ năng số cho cộng đồng...

Trong khuôn khổ Tuần lễ số Quốc tế và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Tọa đàm Why Viet Nam 2022 với chủ đề "Kinh tế số Việt Nam chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế". Tọa đàm sẽ thảo luận các tiềm năng, cơ hội và giải pháp tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ thiết lập quan hệ đối tác cho các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam và các nước.

Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam-VIDW2022 diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 11-14/10/2022. 

Theo mic.gov.vn