Asset Publisher
Bằng nhiều giải pháp, huyện Đắk Glong đã bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Vùng đất tiềm năng về du lịch
Huyện Đắk Glong là nơi sinh sống của 34 dân tộc, chiếm gần 60% dân số toàn huyện. Chính sự phong phú trong cộng đồng các dân tộc ở Đắk Glong cùng những nét văn hóa truyền thống đã làm nên vùng đất văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.
Cùng với nhiều địa phương trong tỉnh, Đắk Glong có nét đặc sắc về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại từ năm 2005. Trên địa bàn huyện, những bài sử thi dài hàng vạn câu của người M'nông, Mạ; điệu khèn dặt dìu… đã được người dân lưu truyền qua các thế hệ.
Huyện có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh là Cứ địa Nâm Nung và Địa điểm chiến thắng ấp chiến lược hang No....
Miếu thần đá ở xã Đắk Som
Đặc thù địa hình đã tạo cho Đắk Glong có khí hậu mát mẻ. Với nhiều thắng cảnh thiên nhiên lý tưởng như: Vườn Quốc gia Tà Đùng, với diện tích khoảng 21.000ha; thác Gấu ở xã Quảng Sơn; hồ thủy điện Đồng Nai 3, 4; các hồ chứa nước tự nhiên và nhân tạo... thích hợp cho du lịch sinh thái và dã ngoại.
Huyện Đắk Glong có các điểm di sản thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ phát triển du lịch như: trang trại hữu cơ Hưng Long; làng nghề đan lát M'nông; tuyến đi bộ trong rừng; cảnh quan hồ Tà Đùng; thác đá granit; miếu thần đá; đập thủy điện; cây thần linh...
Lễ cúng bến nước của người Mạ được tổ chức thường niên vào ngày 10/1 âm lịch hàng năm
Điều đáng mừng, ý thức tham gia làm du lịch cộng đồng của người dân được nâng lên rõ rệt. Một số hộ gia đình trên địa bàn huyện Đắk Glong đầu tư xây dựng homestay, farmstay, bước đầu thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.
Thác đá granit ở Vườn quốc gia Tà Đùng
Tăng cường bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch
Để bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa với phát triển du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân, huyện Đắk Glong đã ban hành nghị quyết về phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn huyện.
Huyện đang tập trung bảo tồn văn hóa các dân tộc: Mạ, M'nông, Mông... Công tác sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ và truyền dạy văn hóa truyền thống đã được địa phương tích cực triển khai dưới nhiều hình thức. Trong đó, địa phương quan tâm, phát huy vai trò của đội ngũ những người uy tín, già làng, nghệ nhân trong bảo tồn, truyền dạy, phát huy văn hóa truyền thống gắn với bài trừ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang ma và lễ hội.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 6 đội văn nghệ truyền thống tại các xã và đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Đắk Glong có 7 nghệ nhân ưu tú. Hàng năm, huyện tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc, ngày hội đoàn kết toàn dân tộc, hội thi, hội diễn cấp huyện, xã với các hoạt động văn hóa, thể thao mang đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số như: làm rượu cần ngon, ẩm thực dân gian, đan gùi, dệt thổ cẩm, hát dân ca, dân vũ, diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, bắn nỏ, đẩy gậy…
Đến nay, huyện Đắk Glong đã khôi phục trên 20 lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời, huyện hỗ trợ và duy trì tổ chức thường niên gần 10 lễ hội như: lễ cúng bến nước của dân tộc Mạ tại xã Quảng Khê (10/1 âm lịch); lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày xã Quảng Hòa, lễ cúng thần đá và lễ cúng thần rừng của dân tộc Mạ, xã Đắk Som... Trong đó, lễ cúng thần rừng của người Mạ đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Già làng K'Biêng ở bon B'Nơr, xã Đắk Som chia sẻ: "Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như chính quyền địa phương, văn hóa truyền thống của dân tộc Mạ được gìn giữ, phát huy. Nhiều nét đẹp văn hóa tưởng chừng như thất truyền nhưng nay đã được khôi phục, sống lại cùng cộng đồng. Người dân nơi đây vui lắm".
Nhạy bén với xu hướng phát triển du lịch dựa trên bản sắc văn hóa truyền thống, một số điểm du lịch như Tà Đùng Top View, Nhà Chú Đông… tổ chức các đội cồng chiêng, đội múa biểu diễn phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại hồ Tà Đùng.
Ông Nguyễn Văn Đông, chủ Khu du lịch Nhà chú Đông cho biết: "Văn hóa truyền thống các dân tộc M'nông, Mạ, Mông… trên địa bàn hết sức phong phú và có một sức hút đối với khách tham quan. Nắm bắt thị hiếu đó nên vào các dịp lễ, tết, chúng tôi đều phối hợp, mời các đội cồng chiêng, đội múa truyền thống về biểu diễn. Khách tham quan rất thích thú với các hoạt động này. Mình vừa có doanh thu mà đồng bào lại có thêm thu nhập, vừa giữ gìn, quảng bá được bản sắc văn hóa truyền thống".
Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong khẳng định: "Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số tại huyện Đắk Glong không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền địa phương chú trọng mà còn là trách nhiệm của cộng đồng, của mỗi người dân nơi đây. Bởi những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số không chỉ giúp làm giàu thêm bản sắc của vùng đất Tây Nguyên mà còn là nền tảng vững chắc để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, nâng cao đời sống người dân và đóng góp vào sự phát triển chung của huyện. Nhờ đó, số lượng khách du lịch đến với huyện ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2025, đã có 50.000 lượt khách du lịch đến tham quan trải nghiệm tại huyện Đắk Glong. Đây là một tín hiệu đáng mừng và kỳ vọng cho hoạt động du lịch tại địa phương".
trích nguồn báo Đắk Nông