Asset Publisher

Hướng dẫn chính sách ưu đãi cho người công tác ở vùng ĐBKK: Cân nhắc khi xây dựng thông tư
Publish date 19/12/2019 | 08:15  | View count: 70514

Từ ngày 1/12/2019, Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chính sách với cán bộ, công chức ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn (gọi tắt là NĐ 76), có hiệu lực thi hành. NĐ 76 bổ sung, hoàn thiện những chính sách đã được quy định tại Nghị định 116/2010/NĐ-CP (NĐ 116). Nhưng nhiều ý kiến lo ngại NĐ 76 sẽ “kế thừa” những bất cập của NĐ 116.

Thống nhất thời điểm chi trả

Ngay sau khi Chính phủ ban hành NĐ 76 (ngày 8/10/2019), nhiều cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (gọi chung là cán bộ) đang công tác tại vùng ĐBKK đã bày tỏ băn khoăn về những điểm mới trong Nghị định này. Trong đó có những băn khoăn về trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội (KT - XH) ĐBKK. 

Theo quy định tại NĐ 76, khi đến công tác ở vùng có điều kiện KT - XH ĐBKK, cán bộ sẽ được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở. Trước đó, theo NĐ 116, người đến công tác ở vùng có điều kiện KT - XH ĐBKK từ 3 năm trở lên đối với nữ và từ 5 năm trở lên đối với nam mới được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở.

Như vậy, so với NĐ 116, NĐ 76 không quy định giới hạn về thời gian công tác để được hưởng trợ cấp lần đầu. Điều này là nhằm khắc phục tình trạng "bát nháo" trong việc chi trả trợ cấp lần đầu. Bởi khi thực hiện NĐ 116 đã xuất hiện tình trạng: Có địa phương trả ngay 1 lần sau khi cán bộ chuyển đến, có địa phương để 3 năm, 5 năm sau mới thanh toán.

NĐ 76 quy định như vậy, nhưng thời điểm chi trả trợ cấp lần đầu cho cán bộ còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là Thông tư hướng dẫn NĐ 76, kế đó là việc bố trí kinh phí thực hiện của các địa phương. Tình trạng "bát nháo" trong thời điểm chi trả trợ cấp lần đầu theo NĐ 116 là do Thông tư hướng dẫn (Thông tư liên tịch số 08/2011/BNV-BTC) của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính còn hướng dẫn chung chung, thiếu cụ thể, dẫn tới các địa phương làm theo… cách hiểu của mình.

Cũng vì thực hiện "theo cách hiểu của mình" mà ngay trước khi Chính phủ ban hành NĐ 76, việc chi trả chế độ cho cán bộ theo NĐ 116 ở một số địa phương vẫn có những bất cập. Như ngành Y tế Quảng Trị, từ năm 2017 trở về trước, chế độ theo NĐ 116 được chi trả hằng tháng. Nhưng sau khi những bất cập trong việc thực hiện NĐ 116 (chi sai đối tượng, sai địa bàn) được chỉ rõ, từ năm 2018, 2019, Sở Tài chính và Sở Y tế tỉnh Quảng Trị thống nhất thực hiện chi trả chế độ 116 theo định kỳ… 6 tháng/lần (!).

Đừng nhầm… địa bàn!

Trong 10 năm thực hiện NĐ 116 (2010 - 2019), một trong những bất cập khiến ngân sách Trung ương hỗ trợ bị lãng phí rất lớn chính là việc các địa phương xác định "nhầm" địa bàn. Do hướng dẫn thực hiện NĐ 116 chưa chặt chẽ, nên một số xã không thuộc khu vực ĐBKK, mà là xã theo Chương trình 135, xã an toàn khu, xã khu vực I, xã khu vực II cũng được thụ hưởng, dẫn tới số tiền ngân sách phải chi trả hằng năm rất lớn.

Để khắc phục tình trạng này, NĐ 76 đã quy định khá cụ thể địa bàn thụ hưởng. Cụ thể, NĐ 76 xác định vùng có điều kiện KT-XH ĐBKK bao gồm: Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1; 1.935 xã khu vực III và 20.176 thôn ĐBKK theo Quyết định 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 582).

Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, danh sách địa bàn ĐBKK theo QĐ 582 áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Nghĩa là, tính theo thời điểm NĐ 76 có hiệu lực thi hành (ngày 1/12/2019) thì danh sách này được sử dụng thêm đúng 1 năm và 1 tháng; hết năm 2020 thì danh sách này chỉ có ý nghĩa tham chiếu.

Ngoài ra, từ nay đến hết năm 2020, với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Trung ương từ các chương trình, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… sẽ có không ít xã, thôn đang nằm trong danh sách theo QĐ 582 thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Sự biến động về địa bàn ĐBKK sẽ là một thách thức không nhỏ khi triển khai chính sách theo NĐ 76. Đây là vấn đề mà Bộ Nội vụ phải tính toán khi xây dựng thông tư hướng dẫn nghị định này.

trích nguồn: http://baodantoc.com.vn/