Asset Publisher
Cùng với tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới chặt chẽ, Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An ở xã Thuận An (Đắk Mil) còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến người dân trong khu vực biên giới.
Đặc biệt, đơn vị đã có sáng kiến biên dịch, thu âm các tài tiệu cần thiết bằng tiếng dân tộc thiểu số để tuyên truyền, giúp đồng bào dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Nội dung tuyên truyền về Covid-19 được thực hiện bằng 2 thứ tiếng để đồng bào dễ hiểu
Gần tuần nay, đều đặn 2 buổi sáng chiều, Đội công tác địa bàn Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An lại dùng loa di động đến các địa điểm có đông đồng bào dân tộc M'nông của 2 bon Sar Pa và Bu Đắk của xã Thuận An thường xuyên lui tới như các điểm bán tạp hóa, chợ, cổng trường học… để phát nội dung phòng, chống dịch Covid-19. Điều đặc biệt, các nội dụng được thu âm và phát qua loa bằng cả tiếng phổ thông và tiếng M'nông, giúp bà con hiểu rõ hơn về dịch bệnh Covid-19.
Dán các áp pích tuyên truyền các biện pháp phòng dịch Covid-19 tại các điểm đông người
Bà con ở 2 bon thường có mối quan hệ thân tộc với người dân phía Campuchia và thường xuyên có nhu cầu qua lại biên giới để thăm thân nhân. Mặt khác, một bộ phận đồng bào, nhất là người già còn hạn chế trong sử dụng tiếng phổ thông nên không phải ai cũng nghe và hiểu hết được những khuyến cáo về cách phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An đã phối hợp với những người biết chữ M'nông biên dịch các tài liệu sang tiếng M'Nông với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hành, giúp người dân nâng cao ý thức, chủ động phòng, chống dịch.
Các nội dung cũng được thu âm lại bằng cả tiếng phổ thông và tiếng M'nông để có thể tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi. Cùng với đó, nhiều panô, áp phích với nội dung tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng về 6 bước phòng, chống dịch cũng được treo tại các điểm tập trung đông người.
Phát qua loa nội dung phòng dịch Covid-19 bằng 2 thứ tiếng, giúp đồng bào dễ hiểu, dễ thực hiện
Trung tá Doãn Văn Tiến, Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An cho biết: "Từ khi có dịch, hàng ngày, chúng tôi tổ chức tuyên truyền lưu động bằng 2 thứ tiếng tại các khu vực chợ, nơi tập trung đông người, phát tờ rơi với nhiều hình ảnh sinh động để đồng bào dễ dàng tiếp nhận thông tin. Với phương châm "gõ từng cửa, gặp từng người", các tổ tuyên truyền còn phối hợp với chính quyền địa phương thông tin đầy đủ nhất về tình hình, cách phòng, chống dịch bệnh đến đồng bào. Chúng tôi cố gắng giúp đồng bào hiểu rõ về "Cô vít", đề cao cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, sợ hãi, mà luôn tin tưởng vào chính quyền địa phương".
Phát tờ rơi tuyên truyền Covid-19 đến tận tay đồng bào
Già làng Y Tanh ở bon Sar Pa chia sẻ: " Nghe tuyên truyền về "Cô vít" bằng tiếng dân tộc mình, bà con mình dễ hiểu hơn, dễ áp dụng hơn, vì tiếng phổ thông nhiều chữ không hiểu hết. Qua cán bộ biên phòng triển khai tuyên truyền, đồng bào đã phần nào nhận biết về dịch bệnh và tiếp thu cách phòng chống để tránh lây nhiễm. Với vai trò là già làng, mình luôn nói rõ cho gia đình, bà con hiểu cách phòng dịch, nhất là hạn chế qua lại thăm thân nhân ở bên Campuchia, tránh để xảy ra tình trạng do thiếu kiểm soát mà lây lan dịch bệnh trong cộng đồng".
Tranh thủ bà con đi rẫy về để phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19
Ông Y Dốc, ở bon Sar Pa phấn khởi: "Sau nhiều lần bộ đội biên phòng về tuyên truyền, nhất là được nghe bằng tiếng dân tộc mình, gia đình tôi nắm rõ các biện pháp phòng dịch, từ rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang đến ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh trong nhà, khi đi ra ngoài phải đeo khẩu trang, nhất là hạn chế tiếp xúc, sang Campuchia thăm thân nhân…".
Đến tận nhà phát tờ rơi, hướng dẫn đồng bào đeo khẩu trang, các biện pháp phòng dịch Covid-19
Cũng theo Trung tá Doãn Văn Tiến, với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực, phù hợp với thực tế cuộc sống đã góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Khoảng 1 tháng trở lại đây, đồng bào đã hiểu nhiều và hạn chế tới nơi đông người, đeo khẩu trang cẩn thận, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh sạch sẽ nơi ở. Tình trạng qua lại thăm thân nhân giữa bà con hai bên biên giới đã giảm hẳn, chỉ khi có việc thật sự quan trọng bà con mới đi.
Trích nguồn: báo Đăk Nông