Hoạt động ban

Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Xem xét việc phân định miền núi, vùng cao
Publish date 19/08/2021 | 14:31  | View count: 89624

Trong khuôn khổ chương trình Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), chiều 17/8/2021, UBTVQH đã xem xét kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc về việc phân định miền núi, vùng cao trong quản lý Nhà nước hiện nay. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp. Về phía Ủy ban Dân tộc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tham dự Phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 2 của UBTVQH

Trình bày báo cáo giám sát về việc phân định miền núi, vùng cao trong công tác quản lý Nhà nước hiện nay, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết: Vùng miền núi hiện chiếm 3/4 diện tích cả nước, địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế -xã hội (KT-XH ) và bảo đảm an ninh - quốc phòng của đất nước.

Xuất phát từ yêu cầu và tầm quan trọng của việc phát triển KT-XH địa bàn miền núi, ngày 27/11/1989, Bộ Chính trị khóa VI đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-TW "Về một số chủ trương chính sách lớn phát triển KT-XH miền núi". Để triển khai thực hiện, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã tiến hành việc phân định tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao. Kết quả phân định là các căn cứ quan trọng để Nhà nước ban hành một số cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ đầu tư nhằm phát triển KT-XH các địa phương miền núi, ổn định và nâng cao đời sống cho đồng bào miền núi, nhất là đồng bào DTTS.

Năm 1996, triển khai Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện Chương trình đầu tư phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo (gọi tắt là Chương trình 135), Chính phủ đã phân định các xã vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển (3 khu vực), bao gồm cả các xã vùng dân tộc thiểu số ở đồng bằng.

Như vậy, từ năm 1996 đã phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển; đồng thời, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, Chính phủ đã ban hành thêm một số hình thức phân loại: Phân định địa bàn khu vực biên giới trên đất liền và trên biển; Phân loại xã bãi ngang ven biển và hải đảo; Phân loại đơn vị hành chính cấp xã vùng khó khăn; Phân loại đơn vị hành chính cấp xã/phường/thị trấn. Mỗi phân định, phân loại có các tiêu chí khác nhau, mục đích, phạm vi, đối tượng để ban hành chính sách trong lĩnh vực quản lý Nhà nước khác nhau.

Theo đánh giá của Hội đồng Dân tộc: Về mục đích, việc phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao là cần thiết, làm cơ sở, căn cứ cho việc tổ chức các giải pháp quản lý Nhà nước và xây dựng một số chính sách phù hợp về đầu tư, phát triển KT-XH, ổn định đời sống cho cư dân tại chỗ. Kết quả phân định đã được thể hiện bằng quyết định công nhận xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao; đã và đang là các căn cứ quan trọng phục vụ nhiệm vụ quản lý Nhà nước và xây dựng cơ chế, pháp luật, chính sách, tổ chức thực hiện chính sách trên địa bàn xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu giải trình tại Phiên họp

Báo cáo, giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng: Sau 4 lần sửa đổi, các xã vùng DTTS và miền núi đã được áp dụng các tiêu chí phân định. Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 33/2020/QĐ-TTg về tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025, trong đó quy định, các xã nằm trong vùng miền núi và vùng cao đều nằm trong danh sách Bộ tiêu chí, nhưng về pháp lý chưa có Nghị quyết thay thế. Ủy ban Dân tộc đề nghị UBTVQH giao Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan rà soát lại về mặt pháp lý, đánh giá lại việc phân định miền núi, vùng cao kỹ hơn để tích hợp, bổ sung việc phân định các xã theo trình độ phát triển và các hình thức khác.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng: Cần có sự phân định miền núi, vùng cao căn cứ vào quy định của Nhà nước, làm cơ sở để xây dựng chính sách cho miền núi, vùng cao và đồng bào DTTS, phục vụ sự đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cần có đầu mối quản lý, thống nhất một cơ quan theo dõi đảm bảo công khai, minh bạch. Tiêu chí phân định miền núi, vùng cao liên quan đến bộ, ngành nào cần giao cho bộ ngành đó theo dõi, xây dựng chính sách cho phù hợp thực tế.

Kết luận Phiên họp, thay mặt UBTVQH, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhất trí với việc giao Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc tiếp tục rà soát về mặt pháp lý, đánh giá lại việc phân định miền núi, vùng cao.

Trích nguồn báo dân tộc