Hoạt động ban

Tây nguyên sau những đợt đồng bào hồi hương tránh dịch: Tập trung giải bài toán việc làm
Publish date 23/11/2021 | 10:25  | View count: 42369

Với số lượng người lao động hồi hương đông chưa từng có, trong đó rất đông là đồng bào DTTS, những ngày tháng qua, các địa phương khu vực Tây Nguyên đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng triển khai các phương án, kế hoạch về việc làm, thu nhập nhằm đảm bảo cuộc sống lâu dài, đối với cả người hồi hương muốn tiếp tục trở lại nơi làm việc, và cả những người ở lại...

Tỉnh Đắk Nông đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 cho người lao động

Làm "thẻ xanh" để lao động tiếp cận với việc làm

Rất nhiều lao động sau khi hồi hương đã không còn thu nhập để sinh sống. Để tạo điều kiện cho lao động tìm việc, các địa phương khu vực Tây Nguyên chủ động, ưu tiên cho người hồi hương được tiêm vắc xin, để họ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với thị trường lao động.

Sau thời gian về quê, mới đây chị Đàm Thị Lý ở thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) được Công ty cũ tại TP. Hồ Chí Minh gọi điện mời quay trở lại làm việc, với mức lương "hấp dẫn". Tuy nhiên, do mới chỉ được tiêm 1 mũi vắc xin, nên chị còn ngần ngại chưa đi.

Chị Lý chia sẻ: "Tiêm đủ 2 mũi vắc xin không chỉ giúp chúng tôi phòng bệnh an toàn, mà còn có nhiều cơ hội, lựa chọn công việc tốt hơn. Địa phương đã tạo điều kiện hết sức, ưu tiên cho chúng tôi được tiêm sớm, giờ tôi chờ đủ thời gian 14 ngày sau tiêm là sẽ lên đường".

Nhờ được tiêm 2 mũi vắc xin sớm, chị Nông Thị Liên ở thôn 7, xã Đắk D'rông, huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã tìm được việc làm gần nhà, với mức lương ổn định. Chị Liên chia sẻ, chị vừa được nhận vào làm việc trong một công ty tại Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) với mức lương khởi điểm 4,5 triệu/tháng. 

 Theo chị Liên, hiện nay một số dịch vụ, hoạt động đã được mở lại, nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nên việc đi lại cũng gặp khó khăn, chị đi xin việc ở một số nơi thấy rất rõ, các doanh nghiệp rất khắt khe đối với lao động chưa được tiêm vắc xin. Được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng dịch thì việc đi qua các tỉnh khác cũng được thuận lợi hơn.

Người lao động ở tỉnh Đắk Lắk tìm việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn

Để thực hiện mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế", tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng dịch. Trong đó, ưu tiên đối tượng lao động mất việc có nhu cầu đi làm lại.

Ông Trần Quang Hào, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết: Để thực hiện mục tiêu đến 3/11 toàn tỉnh sẽ có 100% đối tượng từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin, ngành Y tế tỉnh tổ chức tiêm vắc xin theo phương thức cuốn chiếu, hoặc đồng loạt cho người dân. Phấn đấu đến cuối năm 2021, sẽ có trên 90% dân số trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Sau đó, ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng từ 12 - 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nhằm xây dựng phương án hỗ trợ giới thiệu giải quyết việc làm cho công dân trở về từ vùng dịch, tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu, các địa phương tổ chức rà soát nhu cầu của công dân, trên cơ sở đó tích cực vận động công nhân trở lại các doanh nghiệp cũ để làm việc. Tỉnh hỗ trợ công dân hồi hương muốn đi làm được tiêm vắc xin, phối hợp với các tỉnh có phương án tạo điều kiện cho đến các địa phương để làm việc.

 Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các địa phương trong và ngoài tỉnh tổ chức các phiên ngày hội việc làm; phối hợp với Ngân hàng Chính sách khảo sát nhu cầu vay vốn của người sử dụng lao động và người lao động để hỗ trợ vay vốn; chỉ đạo các Trung tâm Dạy nghề tăng cường liên kết tổ chức đào tạo dạy nghề cho người lao động...

Người lao động làm việc ổn định tại doanh nghiệp sản xuất cà phê

Hỗ trợ vay vốn ưu đãi 

Xã Cư Knia, huyện Cư Jút (Đắk Nông) có hơn 80% người đồng bào DTTS. Thời gian qua, xã tiếp nhận hơn 700 lao động trở về từ các tỉnh phía Nam. Trong đó, rất nhiều lao động có nhu cầu ở lại làm việc ở địa phương.

Bỏ lại 4,2 ha điều, vợ chồng chị Vừ Thị Nhi ở thôn 9, xã Cư Knia, huyện Cư Jút tìm kiếm cơ hội tốt hơn nơi đất khách. Nhưng nay dịch bệnh phức tạp, chị quyết định ở lại quê nhà tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình.

Chị Nhi cho biết: Điều nhà tôi đã lâu năm, năng suất không cao, giờ muốn phát triển thì phải có vốn đầu tư cải tạo vườn điều. Diện tích cây già cỗi tôi sẽ trồng xen chanh dây để có thêm nguồn thu. Làm công nhân ở Bình Dương, hai vợ chồng thu nhập cũng khá, nhưng chi phí cũng hết rất nhiều. Với tình hình này, thì tôi lựa chọn ở nhà. Cây điều cần ít công chăm sóc nên ngoài thời gian chăm sóc điều, tôi sẽ cải tạo đất trồng chanh dây, mở rộng diện tích trồng cây đậu đỗ.

Ông Lê Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Cư Knia, cho biết: Để giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động đang tăng lên, những ngày qua địa phương đã tận dụng nguồn nước từ hồ thủy lợi Đắk Dier để điều tiết hệ thống kênh mương thủy lợi, nhằm mở rộng diện tích 500 ha lúa nước từ 2 vụ lên 3 vụ, chủ yếu gieo cấy bằng giống lúa ST 24 và ST25.

Xã cũng đã liên kết với Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Tất Thắng thu mua gạo ST 24 và ST25 với giá cao hơn giá thị trường (điều này sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 60 lao động tại chỗ); Đồng thời, xin ý kiến của UBND huyện để địa phương liên kết trồng 200 ha diện tích chanh dây; xây dựng nhà máy chế biến chanh dây tại khu vực thôn 9 và thôn 10 (là 2 thôn có 100% người dân là đồng bào Mông sinh sống). Kế hoạch này hoàn thành, sẽ giải quyết cho hơn 150 lao động, với mức lương cam kết hơn 4 triệu đồng/người/tháng.

Đến cuối tháng 10, tỉnh Gia Lai có 42,668 nghìn lao động từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương, trong đó có 13.077 lao động là người đồng bào DTTS (còn 2 địa phương chưa thống kê). Trong tổng số lao động trở về, có 3.208 lao động đăng ký nhu cầu quay trở lại các tỉnh phía Nam để làm việc, tỉnh ưu tiên tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 để lao động yên tâm trở lại các tỉnh phía Nam làm việc. 

Đối với lao động ở lại, tỉnh đã bố trí nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để hỗ trợ người lao động vay vốn tạo việc làm và khởi nghiệp, trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ cho vay đối với người lao động là DTTS, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo từ các tỉnh trở về địa phương.

Bên cạnh đó, một số địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp để giải quyết việc làm, như huyện Krông Pa đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức phiên giao dịch việc làm tại 3 xã, kết quả có 95 lao động đăng ký tuyển dụng và học nghề, tuyển trực tiếp 18 lao động (hái cà phê); phối hợp với Công ty đầu tư và tư vấn lắp đặt điện số 5 trực tiếp đón 30 lao động đưa trở lại công ty làm việc.

Từ thực tế cho thấy, cùng với sự quan tâm của Chính phủ, bằng nhiều cách, các cấp chính quyền, ngành chức năng khu vực Tây Nguyên đang nỗ lực hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch vượt qua khó khăn, vượt qua đại dịch.

Trích nguồn báo Dân tộc