Hoạt động ban

Hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719/QĐ-TTg
Publish date 25/03/2022 | 15:48  | View count: 13134

Chiều ngày 22/3, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội tổ chức cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Quang cảnh phiên họp

Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch HĐDT của Quốc hội dự và chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ LĐTB&XH, NN&PTNT, Tài chính, Văn phòng Quốc hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH)...

Trên cơ sở Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, căn cứ quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện xây dựng dự thảo Nghị định theo yêu cầu. Theo đó, Nghị định được ban hành để thực hiện Chương trình MTQG 1719/QĐ-TTg đã được Quốc hội phê duyệt theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719/QĐ-TTg.

Dự thảo Nghị định được kết cấu gồm 07 Chương và 38 Điều, quy định 05 chính sách tín dụng ưu đãi triển khai tại NHCSXH, gồm:

Cho vay hỗ trợ đất ở, Cho vay hỗ trợ nhà ở: 25 triệu/hộ, thời hạn 15 năm, ân hạn 5 năm, lãi suất cho vay 3%/năm.

Cho vay hỗ trợ đất sản xuất: 77,5 triệu/hộ, thời hạn 10 năm, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo đang áp dụng tại NHCSXH (hiện nay là 3,3%).

Cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề: bằng mức cho vay hộ nghèo áp dụng tại NHCSXH từng thời kỳ (hiện nay tối đa 100 triệu/hộ), thời hạn 10 năm, ân hạn 5 năm, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo đang áp dụng tại NHCSXH.

Cho vay hỗ trợ đầu tư, phát triển vùng dược liệu quý: tối đa 2 tỷ đồng/cơ sở, thời hạn 10 năm, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ cận nghèo áp dụng tại NHCSXH (hiện là 3,96%/năm). Đối tượng vay vốn phải tham gia dự án phát triển vùng dược liệu quý, nằm trong danh sách phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các quy định về mức cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay, điều kiện vay được Ngân hàng Nhà nước bám sát đảm bảo phù hợp quy định tại Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình và Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG.

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định quy định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719/QĐ-TTg, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025.

Đối tượng vay vốn là hộ DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS&MN; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (cơ sở sản xuất kinh doanh) có sử dụng từ 50% tổng số lao động trở lên là người DTTS. UBND cấp huyện căn cứ các điều kiện thụ hưởng các chính sách để phê duyệt danh sách hộ gia đình được vay vốn.

Địa bàn thực hiện: Các xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN theo quy định của pháp luật về tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN trong từng thời kỳ.

Nguyên tắc cho vay vốn: (i) NHCSXH cho vay đúng đối tượng, rõ ràng, công khai, minh bạch, đúng mục đích sử dụng vốn; Khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích xin vay, hoàn trả đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi cho NHCSXH; (ii) Ưu tiên hộ nghèo DTTS thuộc danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; hộ nghèo có phụ nữ là chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS&MN; (iii) Trường hợp khách hàng thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách vay vốn ưu đãi cho cùng mục đích vay vốn đang thực hiện tại NHCSXH, khách hàng lựa chọn vay theo quy định tại Nghị định này hoặc áp dụng chính sách vay vốn có mức ưu đãi cao nhất để tránh trùng lắp trong thụ hưởng chính sách.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình bầy về tiến độ xây dựng và một số nội dung chính của dự thảo Nghị định

Tại phiên họp, các đại biểu tham dự đã thảo luận về một số điểm còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định cũng như những dự kiến tình huống phát sinh khi triển khai Nghị định trong thực tế. Một số đại biểu đề nghị: chính sách tín dụng thực hiện Chương trình MTQG 1719 cần nằm trong tổng thể các chính sách tín dụng trong triển khai 3 Chương trình MTQG; cần làm rõ bố trí nguồn vốn thực hiện; thống nhất khái niệm hộ DTTS nghèo, nội hàm của chuỗi giá trị trong dự thảo; một số tình huống phát sinh trong chia tách hộ gia đình; chính sách cho vay hỗ trợ đất ở và hỗ trợ nhà ở phải được triển khai đồng thời; nâng mức hỗ trợ cho vay phù hợp với thực tế; xem xét đề xuất bổ sung đối tượng hộ cận nghèo...

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch HĐDT Nguyễn Lâm Thành trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp hết sức trách nhiệm của các đại biểu tham dự. Các ý kiến đã làm rõ được nhiều vấn đề trong quan điểm, tiếp cận, làm cơ sở để Ngân hàng Nhà nước tiếp thu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định. Phó Chủ tịch HĐDT đề nghị cần tập trung nhiều hơn cho các nội dung hỗ trợ mang tính gián tiếp, đặc biệt liên quan đến sản xuất nông nghiệp, sản phẩm OCOP, thúc đẩy để tạo mô hình sản xuất lớn và gắn sản xuất với thị trường, tiêu thụ. Mục tiêu cuối cùng là sản xuất hàng hóa gắn với thu nhập của người dân, từng bước hạn chế tối đa các rủi ro trong sản xuất.

Để đảm bảo tính khả thi của Nghị định, Phó Chủ tịch HĐDT Nguyễn Lâm Thành đề nghị làm rõ hơn các đối tượng áp dụng của chính sách; nghiên cứu, điều chỉnh và bổ sung nguyên tắc cho vay vốn. Qua kết quả các đoàn giám sát của HĐDT, cần nghiên cứu nâng định mức hỗ trợ, cho vay để phù hợp hơn với tình hình thực tế của đồng bào. Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch HĐDT đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu kỹ, tiếp thu các ý kiến của HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội để xây dựng nội dung phù hợp, mang tính khả thi cao, đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách trong thực tế.

Trích nguồn Ủy ban Dân tộc