Hoạt động ban

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Publish date 22/07/2019 | 08:07  | View count: 63956

Trong những năm qua, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội miền núi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền gắn với phát động các phong trào vận động đồng bào các dân tộc thiểu số cải tạo phong tục tập quán lạc hậu, nhất là chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhiều địa phương đã chỉ đạo đưa tiêu chí nói không với tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống vào hương ước các dòng họ và quy ước thôn, bản; lồng ghép các hoạt động truyền thông về phòng, chống tảo hôn vào thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa, cải thiện chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số. Trình độ nhận thức của đồng bào vùng dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên; văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát triển; phong tục tập quán lạc hậu từng bước được đẩy lùi.

(Toàn cảnh buổi tuyên truyền)

 

            Tuy nhiên bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn và có xu hướng gia tăng tại một số địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này là do ảnh hưởng của các phong tục tập quán lạc hậu trong hôn nhân từ lâu đời để lại như: Quan niệm những người có quan hệ họ hàng kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, khi về chung sống với nhau không phải phân chia tài sản cho người ngoài, không sợ mất con, mất của; kết hôn sớm để có người lao động...

            Bên cạnh đó là ý thức chấp hành pháp luật trong bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; công tác lãnh đạo của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở thiếu quyết liệt, có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý đăng ký kết hôn. Công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình… chưa đạt hiệu quả cao; các chế tài xử lý vi phạm trong hôn nhân chưa được thực hiện nghiêm và triệt để; các hương ước, quy ước ở thôn, bản chưa được đổi mới kịp thời phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở. Mặt khác, sự phát triển mạnh của đời sống xã hội, internet, mạng xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, lối sống thiếu lành mạnh của một bộ phận thanh, thiếu niên. Ngoài ra, do điều kiện kinh tế khó khăn nên tình trạng bỏ học vẫn còn xảy ra hoặc học xong không tìm được việc làm phù hợp dẫn đến tình trạng kết hôn sớm trong đồng bào dân tộc thiểu số. Để khắc phục và giải quyết có hiệu quả thực trạng trên, từng bước nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu phát triển trong những năm tới cần xác định tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

            Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên liên tục của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở

Các huyện chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương. Xây dựng kế hoạch hoạt động theo năm và giai đoạn phù hợp với đặc điểm của từng huyện, xã, thôn, từng dân tộc, cụ thể hóa thành các chỉ tiêu phấn đấu đối với địa phương có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Hai là, Đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình; chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm, biên soạn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên và vùng có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Chú trọng hình thức tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên các cấp; lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các chương trình thông tin lưu động, sân khấu hóa; hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; xây dựng các phóng sự, tin, bài phản ánh về hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống phát trên hệ thống phát thanh truyền hình, nhất là loa truyền thanh cơ sở; tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội thi tìm hiểu pháp luật và hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí tại trung tâm và lưu động đến các điểm dân cư vùng dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người uy tín, hòa giải viên, cộng tác viên ở cơ sở trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình ngay từ trong dòng họ, gia đình, khu dân cư.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước. Truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác quản lý, tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả, kịp thời các chính sách, chương trình, dự án của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết hợp và nâng cao hiệu quả giữa công tác chỉ đạo, thực hiện, kiểm tra, đánh giá, xử lý vi phạm với thi đua khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay trong tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống./.

                                                                                                            Ngọc Quân