Hoạt động ban

Chương trình 135 thay đổi diện mạo vùng khó khăn
Publish date 09/04/2020 | 08:13  | View count: 62744

Thông qua các dự án được triển khai từ Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 đã giúp nhiều hộ dân ở những vùng khó khăn tại Đắk Glong được tiếp cận, thụ hưởng và có điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Đạt nhiều kết quả thiết thực

Chương trình 135 là một dự án nằm trong thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020. Tại huyện Đắk Glong, Chương trình 135 được triển khai với 3 tiểu dự án tập trung, bao gồm: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; Hỗ trợ sản xuất tăng thu nhập; Nâng cao năng lực cho cán bộ xã và cộng đồng.

Được hỗ trợ phân bón từ Chương trình 135, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đắk Glong đã có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho cây trồng

Ở Tiểu dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trong giai đoạn 2016-2019, từ nguồn kinh phí hơn 31,9 tỷ đồng do Trung ương bố trí, huyện đã triển khai đầu tư xây dựng 66 công trình về giao thông, thủy lợi, giáo dục, văn hóa, thể thao... Trong đó, Chương trình 135 đã đầu tư 16 công trình đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh trên địa bàn các xã, thôn, bon; 28 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn xã; 20 công trình lớp tiểu học, mẫu giáo, nhà trẻ, nhà ở giáo viên, trang bị bàn ghế, điện, nước sinh hoạt, công trình phụ trên địa bàn thôn, bon, để bảo đảm chuẩn hóa giáo dục trên địa bàn các xã và 2 công trình thể thao.

Ngoài ra, Chương trình 135 còn đầu tư hơn 1,9 tỷ đồng để duy tu bảo dưỡng 8 công trình hạ tầng. Trong đó, duy tu sửa chữa 5 công trình đường giao thông, 2 công trình nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng và 1 công trình nước sinh hoạt… Các hạng mục công trình của các xã được triển khai kịp thời, đúng quy định. Quá trình triển khai thực hiện đúng quy trình từ họp dân trong thôn, bon thống nhất công trình lựa chọn xây dựng, có sự tham gia giám sát của nhóm cộng đồng người dân. Nhờ đó, phần lớn các công trình sau khi đưa vào sử dụng đã đem lại hiệu quả rất lớn đối với đồng bào các dân tộc…

Ở Tiểu dự án Hỗ trợ sản xuất tăng thu nhập, Chương trình 135 cũng dành hơn 8,5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân. Trong đó, chương trình đã hỗ trợ trực tiếp 1.250 cây ăn quả cho 73 hộ thụ hưởng và phân bón các loại cho hơn 9.400 lượt hộ dân. Các hộ tham gia thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cũng đã được nâng cao về nhận thức trong sản xuất, nắm bắt được kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi, được tạo sinh kế mới để tăng thu nhập...

Bên cạnh đó, Tiểu dự án Nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở cũng được huyện triển khai tích cực. Trong đó, Chương trình 135 đã triển khai mở 29 lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn, bon tại 7 xã về kiến thức Chương trình 135, thu hút hơn 1.350 lượt người tham gia. Thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở đã góp phần nâng cao kiến thức quản lý đầu tư và kỹ năng quản lý điều hành trong việc tham gia xây dựng kế hoạch, quản lý, giám sát thực hiện Chương trình 135 và một số chính sách dân tộc có liên quan cho đội ngũ cán bộ cơ sở…

Mạnh dạn lồng ghép giữa nguồn vốn

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn huyện vẫn tồn tại một số hạn chế.

Trong đó, các công trình, dự án của các năm chủ yếu sử dụng nguồn vốn của Chương trình, không lồng ghép với các nguồn khác. Cùng với đó, hầu hết các công trình đều có quy mô nhỏ, nên tính hiệu quả trong lồng ghép chưa cao. Trong quá trình thực hiện, ở một số xã (chủ đầu tư) còn gặp những khó khăn, vướng mắc như: Công tác giải ngân vốn còn chậm; thanh quyết toán, quản lý, giám sát dự án, kiểm soát thủ tục hồ sơ xây dựng còn hạn chế...

Nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn ít, nguồn vốn bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng còn dàn trải, nên huyện còn gặp khó khăn trong việc lựa chọn hạng mục công trình. Công tác triển khai thực hiện xây dựng công trình của một số xã còn chậm, nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giải ngân nguồn vốn của Chương trình... Mặc dù có nhiều tiến bộ, đời sống người dân đã được cải thiện, nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đắk Glong vẫn ở mức cao.

Việc thực hiện các dự án của Chương trình đã góp phần cơ bản vào công tác xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân. So với năm 2016, đến nay, trên địa bàn huyện đã có hơn 2.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được thoát nghèo.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình, trong giai đoạn 2021 – 2026, UBND huyện Đắk Glong đã đề xuất kế hoạch khung Chương trình 135 với nhiều nội dung thiết yếu. Trong đó, huyện đề nghị Trung ương có cơ chế tiếp tục đầu tư, hỗ trợ chính sách đối với các xã khu vực II và khu vực III. Bên cạnh đó, Trung ương cũng cần rà soát lại các chính sách hiện hành để loại bỏ những nội dung trùng lặp như: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình; xác định thứ tự ưu tiên; đầu tư tập trung nguồn lực không dàn trải… Việc ưu tiên nguồn vốn, có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các hộ nghèo theo nhu cầu và ưu tiên hỗ trợ theo lợi thế của từng vùng, từng khu vực, nhất là hỗ trợ giống cây trồng, phân bón cũng cần được chú trọng hơn nữa…

Theo ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, để thực hiện chính sách thêm hiệu quả, huyện cũng đề xuất Trung ương xem xét quy định chế tài quản lý đối với các hộ được hỗ trợ chương trình; đồng thời, có hướng dẫn cụ thể về cơ chế lồng ghép giữa nguồn vốn thuộc Chương trình 135 với các nguồn vốn khác cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Trích nguồn: Báo Đăk Nông