Asset Publisher

Mừng, lo sau Tết
Publish date 06/02/2020 | 16:20  | View count: 28898

Sau Tết Nguyên đán Canh Tý, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiệm vụ của năm 2020 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi là không ít những khó khăn đặt ra, đòi hỏi sự quyết tâm rất cao của toàn xã hội để đạt được những mục tiêu đề ra trong những tháng đầu năm...

Người dân ở một số vùng DTTS và miền núi vẫn phải nhận trợ cấp gạo cứu đói sau thời điểm Tết Nguyên đán
Người dân ở một số vùng DTTS và miền núi vẫn phải nhận trợ cấp gạo cứu đói sau thời điểm Tết Nguyên đán

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), trong tháng 1/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 448,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2019. Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động. Các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp đã cung ứng kịp thời, đầy đủ các mặt hàng phục vụ Tết. Giá các mặt hàng thiết yếu cơ bản phù hợp với thu nhập của người dân; trật tự, an toàn giao thông được bảo đảm…

Thế nhưng cùng với niềm vui, vẫn còn đó những nỗi lo. Một nỗi lo cũ năm nào cũng xảy ra là tình trạng thiếu đói. Theo số liệu của TCTK, trong tháng 1/2020, cả nước có hơn 2,9 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 10,1 nghìn nhân khẩu thiếu đói. Số hộ thiếu đói vẫn tập trung ở những địa phương miền núi, phần đông là hộ đồng bào DTTS. Trong đó, Sơn La có hơn 1,3 nghìn hộ với hơn 5,2 nghìn nhân khẩu; Yên Bái có 663 hộ với 2,3 nghìn nhân khẩu; Bắc Kạn có 482 hộ với hơn 1 nghìn nhân khẩu; Lào Cai có 385 hộ với hơn 1,4 nghìn nhân khẩu… 

Với phương châm không để người dân nào bị đói và không có Tết, Chính phủ đã xuất cấp 4.900 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ Nhân dân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Đây là chính sách an sinh cần thiết, nhưng cũng đặt ra câu hỏi: Bao giờ chúng ta sẽ không phải cấp gạo cứu đói nữa?

Một nỗi lo khác sau Tết, là tình trạng giá các mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng. Theo số liệu của TCTK, so với tháng 1/2019, trong tháng đầu của năm 2020, giá gạo nếp tăng 2,13%, gạo tẻ ngon tăng 0,85%; giá miến tăng 1,6%, giá bún khô, mỳ ăn liền, phở ăn liền tăng 0,13 - 0,68%... 

Đáng chú ý, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đã khiến giá thịt lợn trong tháng 1/2020 tăng cao (tăng 8,29% so với tháng 1/2019). Dịch tả lợn châu Phi cũng đã khiến tổng đàn lợn của cả nước giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Thịt lợn tăng giá cùng với thiếu nguồn cung đã khiến các mặt hàng thực phẩm khác tăng theo. Trong đó, giá thịt gia cầm tươi sống tăng 2,84%; giá thủy sản tươi sống tăng 1,71%; trứng gia cầm các loại tăng 2,28%; giá quả tươi tăng 2,9%...

Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, ổn định về giá, trong tháng 2/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương sẽ nhập khẩu 100 nghìn tấn thịt lợn. Đây là việc làm cấp thiết, nhưng chỉ là giải pháp tình thế. Ngay từ lúc này, các bộ ngành, địa phương cần triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi để tái đàn.

Và cái lo mới nhất, lớn nhất hiện nay là dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV). Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.. Kinh tế - xã hội của nước ta vì thế chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không mấy thuận lợi trong thời gian tới, đặc biệt là ngành Nông nghiệp. 

Theo dự báo của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, dưới những tác động tâm lý tiêu cực của thị trường đối với diễn biến bệnh dịch, trong nhóm hàng nông sản, cả ba mặt hàng ngô, đậu tương và lúa gạo đều giảm giá mạnh, lần lượt là 1,55%, 3,27% và 3,44%. Việc giá lúa gạo giảm 3,44% gây sức ép rất lớn đến mục tiêu tăng trưởng của ngành lúa gạo nước ta.

trích nguồn:baodantoc.vn