Văn hóa xã hội

Một số giải pháp phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông
Publish date 17/09/2018 | 08:58  | View count: 917

      Trong xã hội truyền thống, từng cộng đồng dân tộc thiểu số ở nước ta đã hình thành những tập tục và có những nhu cầu trong việc tự quản được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong đó mỗi cộng đồng dân tộc có một nét riêng trong cách tự quản nhưng việc cử ra những người am hiểu tập tục của ông bà, tổ tiên mình (làm có người học, nói có người nghe) để đứng đầu bon, làng, bản, ấp… điều hành hoạt động của cộng đồng. Đây được coi là những người có uy tín, có khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống cộng đồng các dân tộc.

      Trong việc sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã xuất hiện những người tiêu biểu có uy tín, làm kinh tế giỏi, có tinh thần giúp đỡ và thể hiện trách nhiệm hết mình với cộng đồng bon làng trong nhiều lĩnh vực; là những gương điển hình trong việc xóa đói giảm nghèo, vận động nhân dân vươn lên làm giàu chính đáng; góp công sức, đất đai vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đây chính là những gương điển hình và đã được cộng đồng ghi nhận bầu vào đội ngũ những người uy tín nói chung trong đồng bào dân tộc thời gian qua.

      Tỉnh Đắk Nông sau 13 năm được thành lập, hiện đã có tới 40 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống. Từ đó đã tạo lên nền văn hóa đa bản sắc nhưng việc hình thành công tác tự quản và cử ra một người uy tín để thay mặt cộng đồng trong các bon, buôn, bản ấp…giải quyết những việc trọng đại của cộng đồng đều giống nhau và mang một ý nghĩa truyền thống không thể mai một và có thể nói đây chính là một trong những vấn đề tiên quyết đến công tác Dân vận hiện nay.

      Thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã cơ bản nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ những người có uy tín và từng bước củng cố và đã có những chính sách đặc thù để tạo động lực để đội ngũ này hoạt hoạt động và phát huy được vai trò của mình với cộng đồng.

      Tuy nhiên việc tuyên truyền vận động quần chúng và nhân dân đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn còn hạn chế; trong đó chưa thật sự mạnh dạn tổ chức sản xuất và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; việc nêu gương điển hình trong việc xóa bỏ những tập tục lạc hậu không còn phù hợp với đời sống văn hóa mới hiện nay để chung tay xây dựng nông thôn mới; bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống, giúp nhau trong sản xuất, trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Nhiệm vụ công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số không nghe theo lời xúi dục, kích động của kẻ xấu gây mất tình hình an ninh chính trị tại địa phương; công tác xây dựng khối đại đoàn kết vẫn còn những hạn chế chưa thật sự có hiệu quả.

      Từ thực tiễn công tác thăm dò ý kiến qua các đợt Hội nghị, công tác vận động, tuyên truyền của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số những năm qua trên địa bàn tỉnh, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm để tiếp tục duy trì và phát huy vai trò của người uy tín trong thời gian tới, thiết nghĩ cần quan tâm một số giải pháp sau đây:

      Một là: Cần có nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó các cấp ủy đảng, chính quyền có sự quan tâm, chăm lo bồi dưỡng kiến thức bằng nhiều hình thức, ở nhiều lĩnh vực; thông tin tuyên truyền để đội ngũ những người uy tín được tiếp cận kịp thời những chủ trương chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước. Tạo cơ hội để họ được đóng góp ý kiến và tham gia vào một số hoạt động xã hội của địa phương.

      Hai là: Trong quá trình thực hiện các chế độ, chính sách đối với người uy tín cần quan tâm đến việc thăm hỏi, động viên, nắm tình hình từ chính họ và coi đó chính là mô hình điểm. Chính quyền địa phương cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, ghi nhận, cân nhắc một cách có trách nhiệm và cần có sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền cơ sở với đội ngũ người uy tín trong các công việc của địa phương.

       Ba là: Thường niên tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng, khẳng định và ghi nhận thành tích của người có uy tín và coi đây là sự kiện chính trị, để cho họ tự cảm thấy vinh dự, tự hào và hạnh phúc khi được tuyên dương, từ đó lan tỏa sâu rộng gương điển hình tiên tiến; kêu gọi sự chung tay, ủng hộ của các doanh nghiệp, doanh nhân trong việc thực hiện các chính sách, hoạch định các chính sách dân tộc nói chung và chính sách đối với đội ngũ người có uy tín nói riêng.

      Bốn là: Thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có uy tín; thường xuyên tổ chức cho đội ngũ những người uy tín được đi thăm quan những địa điểm danh thắng, những khu vực, địa phương phát triển đô thị nhanh để họ tận mắt được chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và những thành tựu của đất nước, tin tưởng hơn nữa vào sự lãnh đạo của đảng; học hỏi những cách làm hay ở mọi lĩnh vực.

      Tin tưởng rằng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, trong thời gian tới đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát huy hơn nữa được vai trò và tầm quan trọng của mình trong tất cả mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần đáng kể trong việc ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh./.

 

Ngọc Quân