Văn hóa xã hội

Tập trung đầu mối theo dõi, quản lý: Đột phá mới trong thực hiện chính sách dân tộc
Publish date 27/02/2020 | 10:53  | View count: 53054

Để triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2012-2030, mới đây (ngày 15/2/2020), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 đến 2030.

Vùng DTTS và miền núi cần một nguồn lực tập trung để tạo đột phá trong phát triển. (Ảnh minh họa)

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những năm qua đã có rất nhiều chính sách, nguồn lực ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào DTTS. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 có 184 chính sách; giai đoạn 2016 - 2020 có 118 chính sách được ban hành.

Tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Đề án Tổng thể), diễn ra ngày 26/11/2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh: Hiện nay, chính sách đối với đồng bào DTTS không phải là ít, nhưng lại không tập trung, mà nằm rải rác ở các lĩnh vực, các bộ, ngành, chương trình, đề án. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng, dù được đầu tư nhiều nhưng vùng DTTS và miền núi đã và đang là "lõi nghèo của cả nước".

Thực tế, tình trạng dàn trải chính sách những năm qua đã đặt ra yêu cầu phải tích hợp chính sách để tập trung đầu tư, phát triển vùng DTTS và miền núi. Nhưng tích hợp ở đây không phải là một phép cộng cơ học (dồn các chính sách hiện hành và chính sách mới thành một) mà phải là một sự tích hợp toàn diện, đầu tiên là phải tích hợp đầu mối quản lý, theo dõi chính sách.

Tại phiên thảo luận về Đề án Tổng thể sáng 1/11/2019 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Y Khút Niê (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Lăk) cho rằng, lâu nay, mỗi lĩnh vực phân tán, mạnh ai nấy làm, để rồi làm suy yếu hiệu quả của Đề án, làm khó khăn cho việc thực hiện đánh giá chính sách. Ngay với nguồn lực thực hiện chính sách cũng vậy, đại biểu Y Khút Niê đề nghị việc huy động mọi nguồn lực đầu tư cần phải tập trung một đầu mối để điều chỉnh thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh mỗi bộ, ngành một đầu mối.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, sau khi Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan tham mưu, xây dựng trình Chính phủ ban hành nghị quyết triển khai.

Ngày 15/2/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết 12/NQ-CP là Chính phủ giao UBDT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của UBDT làm đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc; đề xuất và tham gia thẩm định chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đồng thời, Chính phủ giao UBDT tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT làm Phó Trưởng Ban thường trực, có sự tham gia của bộ, ban, ngành liên quan để chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình. 

Trích nguồn: baodantoc.vn