Văn hóa xã hội

Bấp bênh sự học ở huyện nghèo Đăk G’long
Publish date 28/05/2020 | 08:55  | View count: 235889

Sống ở vùng sâu, đời sống khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu,... khiến cho sự học của hàng trăm học sinh ở huyện Đăk G'long (Đăk Nông) rất bấp bênh. Mặc dù chính quyền, thầy cô đã nỗ lực đến tận thôn buôn, vào từng nhà vận động và nghĩ ra nhiều cách để giữ chân học trò, song hành trình tìm con chữ của trẻ em nghèo nơi đây vẫn còn gian nan.

Cô giáo Trường THCS Đăk R'măng thường xuyên trao đổi, chia sẻ để động viên các em học sinh ở nội trú an tâm học tập

Bốn cụm dân cư (gồm các cụm: 8, 9, 10, 12) thuộc thôn 7, xã Đăk R'măng, huyện Đăk G'long nằm sâu trong rừng, cách trung tâm xã hơn 30km, đường đi lại chỉ là đường đất xuyên qua những quả đồi. Đây là địa bàn sinh sống của 300 hộ đồng bào dân tộc Mông. 

Năm học 2019 - 2020, ở 4 cụm dân cư có khoảng 300 học sinh vào học tại Trường Tiểu học bán trú Vừ A Dính, thuộc xã Đăk Som, trong đó 50 em vào lớp 1. Do hầu hết các em không được học mẫu giáo nên khi đến trường chưa biết nói tiếng phổ thông; việc dạy các em biết nói, viết tiếng phổ thông đã khó, việc vận động các em đến trường, giữ sĩ số lớp còn khó hơn.

Thầy Hoàng Ngọc Yêm, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Vừ A Dính cho biết: Vận động học sinh ở đây trở lại trường không hề dễ dàng, nhất là sau mỗi kỳ nghỉ dài, các em ở nhà lâu không muốn đi học. Thầy cô giáo đến tận thôn buôn, giải thích cho trưởng bản, trưởng cụm, phải đến tận nhà để vận động phụ huynh và cả học sinh. Trong khi đó, đường sá đi lại khó khăn, giáo viên đi vận động phải dậy thật sớm hoặc đi vào ngày nghỉ thì mới gặp được phụ huynh. 

"Không ít lần, giáo viên đến nhà nhưng các em trốn biệt ra sau vườn, mặc thầy cô đứng ngoài gọi các em cũng không chịu ra mở cổng. Nhiều em đang học lớp 1 thì nghỉ học khi chúng tôi đến, phụ huynh không ở nhà, hỏi các em thì được trả lời "chi pâu" (không biết) rồi bỏ đi. Thầy cô phải ghi giấy nhắn lại trong nhà cho phụ huynh", thầy Hoàng Ngọc Yêm thông tin.

Bậc tiểu học có cái khó riêng, bậc trung học mang nỗi lo riêng. Theo phong tục, tập quán kết hôn sớm, nhiều học sinh đang học dở dang bỏ học lấy chồng, bắt vợ.

Đang học lớp 8, Trường THCS bán trú Đăk R'măng, em Giàng A Hà đột nhiên nghỉ học lấy vợ. Biết tin Hà nghỉ học lấy vợ, thầy cô giáo phải vào tận nhà em để tìm hiểu sự việc thì đúng lúc lễ cưới vừa hoàn tất. Vậy là Ban Giám hiệu Nhà trường cũng như giáo viên chủ nhiệm đã kiên trì đến nhà Giàng A Hà thuyết phục, cuối cùng gia đình cũng đồng ý cho em trở lại trường học.

Không riêng Hà, từ ngày thành lập trường đến nay, thầy cô của trường không biết bao nhiêu lần đi vận động, "bắt" các em về lại trường. Nhiều em đi học, nhưng tư tưởng không vững, nghe bạn bè rủ rê lại muốn về nhà chơi, hoặc nghỉ học để lấy chồng, lấy vợ.

Theo ông Đoàn Văn Phương, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đăk G'long, các xã Đăk R'măng, Quảng Hòa, Đăk Som…có rất đông đồng bào DTTS sinh sống. Thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các em. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc vận động cũng hiệu quả vì nhiều trường hợp phụ huynh chưa hợp tác, thầy, cô phải đi vận động nhiều lần mới trở lại trường. 

"Vì vậy, ngoài việc thầy, cô đến tận thôn buôn vận động, các em học sinh không bỏ học và quay lại trường thì phải có vai trò của chính quyền địa phương trong việc xóa bỏ các hủ tục của người dân", ông Phương đề nghị.

Trích nguồn: Báo Dân tộc