Cải cách hành chính

Xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền giá trị lớn: Lại xuất hiện chiêu trò lừa đảo mới
Publish date 04/07/2024 | 10:58  | View count: 97

Lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi xác thực sinh trắc học khuôn mặt, đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng để thu thập thông tin khách hàng, chiếm đoạt tài sản.

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/7, người dân muốn thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên đều bắt buộc phải xác thực sinh trắc học khuôn mặt.

Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác xác thực sinh trắc. Các ngân hàng cũng đều có thông báo, hướng dẫn bằng cả văn bản lẫn video để người dân dễ dàng thao tác xác thực sinh trắc khuôn mặt.

Tuy nhiên, trong quá trình cập nhật sinh trắc học, nhiều người dân gặp khó khăn trong thao tác thực hiện. Lợi dụng tình trạng này, một số đối tượng lừa đảo đã mạo danh nhân viên ngân hàng, gọi điện hỗ trợ khách hàng nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kẻ gian gọi điện, tự xưng là nhân viên ngân hàng và yêu cầu người dân gửi thông tin cá nhân, ảnh chụp CCCD để hỗ trợ xác thực sinh trắc học. Nhiều ngân hàng mới đây đã phát đi thông báo khuyến cáo người tiêu dùng phải cẩn trọng trước chiêu trò lừa đảo mới.

Mới đây, ngân hàng Agribank gửi cảnh báo về việc các nhóm lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ với nhiều khách hàng gặp khó khi làm xác thực sinh trắc học.

Cách thức lừa đảo được các đối tượng thực hiện đó là liên hệ khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học và thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.

Đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ. Đồng thời đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng để được hỗ trợ.

Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, các đối tượng tiến hành chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu khác.

Ngân hàng Agribank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng số,... cho bất kì ai kể cả nhân viên ngân hàng. Agribank không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học.

Khách hàng cũng tuyệt đối cảnh giác và không truy các đường link lạ qua Chat, SMS hoặc Email gửi đến điện thoại của bạn để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin.

Vietcombank cũng phát đi cảnh báo về hình thức lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ cập nhật sinh trắc học nhằm đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng. Vietcombank khuyến cáo, khách hàng không truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại…

Vietcombank khẳng định không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger…). Do đó, khách hàng tuyệt đối không bấm vào link, không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, thông tin cá nhân nào khác.

Ngân hàng Sacombank cũng lưu ý khách hàng để hạn chế tình trạng kẻ gian giả mạo, lừa đảo, khách hàng không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ website hay ứng dụng nào khác. Sacombank tuyệt đối không yêu cầu khách cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật… qua điện thoại hoặc qua đường link.

Theo các ngân hàng, khách hàng chỉ thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng hoặc trực tiếp tại các điểm giao dịch, tuyệt đối không cập nhật qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo.

Nguồn: cafef.vn