Hoạt động ban
Nhiều năm nay, gia đình chị H'Hiêng, bon Bù Sê Rê 1, xã Đắk Ru (Đắk R'lấp) có cuộc sống khấm khá nhờ chú trọng đầu tư chăm sóc 7 ha điều trồng thuần và xen trong vườn cà phê.
Theo chị H'Hiêng, từ đời ông bà đến bố mẹ chị đều sống dựa vào cây điều vì phù hợp với đất đai, khí hậu, nên chị đã chú trọng phát triển loại cây này. Ngoài 4 ha trồng thuần, chị trồng xen khoảng 3 ha điều trong vườn cà phê. Nguồn thu nhập từ vườn cây đã bảo đảm cuộc sống ổn định cho gia đình chị.
Năng suất điều trồng thuần của vườn nhà chị H'Hiêng đạt trên 2 tấn/ha
Chị H'Hiêng cho biết: "Việc chăm sóc, phân bón cho điều không quá khó, không nhiều nên rất phù hợp với hộ dân còn eo hẹp về chi phí đầu tư. Tuy nhiên, để đạt năng suất cao thì không có nghĩa là bỏ không rồi chờ ngày hái quả mà phải biết trồng, chăm sóc đúng cách".
Theo đó, diện tích trồng xen cây điều với cà phê, chị trồng theo hàng, lối, chủ yếu ở mép vườn. Đối với diện tích trồng thuần, chị trồng điều với khoảng cách hàng khá lớn 10x10 m, hàng năm bón phân từ 1-2 lần, chủ yếu vào mùa mưa, thực hiện đào rãnh xung quanh tán, bón và lấp đất lại để hạn chế việc bốc hơi, rửa trôi phân bón.
Chị thực hiện việc cắt cành, tạo tán, phun thuốc đặc trị côn trùng, bệnh gây hại chính đối với cây điều như bọ xít muỗi, bọ vòi voi, thán thư. Trong đó, việc vệ sinh vườn sạch sẽ, thường xuyên thăm vườn, phát hiện xử lý sớm, cắt bỏ những cành bệnh, khô là biện pháp góp phần phòng bệnh hiệu quả nhất.
Chị từng bước tiến hành thay thế những cây điều già cỗi, sâu bệnh không thể phục hồi bằng những giống điều mới, điều ghép được mua từ những địa chỉ cung ứng uy tín. Đây đều là những giống điều mới với các ưu điểm như sinh trưởng, phát triển nhanh, kháng bệnh, năng suất cao nên ít khi phải chịu cảnh mất mùa. Với diện tích điều trồng thuần, năng suất trung bình hàng năm trên 2 tấn/ha. Điển hình như vụ điều năm 2019-2020, vườn điều đạt sản lượng hơn 14 tấn, chị thu về hơn 350 triệu đồng.
Bon Bù Sê Rê 1 có 297 hộ, hầu hết là hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, hiện còn 30 hộ nghèo và 22 hộ cận nghèo. Điều là cây trồng chính của bà con với hơn 300 ha, nhưng do chưa chú trọng chăm sóc nên năng suất điều của nhiều hộ còn thấp, dưới 1 tấn/ha, chất lượng hạt chưa cao.
Theo ông Điểu Hoang, Trưởng bon Bù Sê Rê 1, không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị H'Hiêng còn tham gia tích cực, hiệu quả vào các hoạt động, phong trào của địa phương. Chị không ngần ngại truyền đạt kinh nghiệm trồng, chăm sóc điều cho bà con xung quanh.
Từ cách sản xuất điều của gia đình chị H'Hiêng, bon đã tuyên truyền, vận động các hộ dân học tập, làm theo. Trong đó, địa phương vận động, hỗ trợ bà con đầu tư, thay thế các giống điều cũ, điều thực sinh bằng các giống điều mới, điều ghép đã được Bộ Nông nghiệp-PTNT công nhận, có nhiều ưu điểm để xóa đói, giảm nghèo.
Trích nguồn báo Đăk Nông