Học tập HCM

Tăng tốc chuyển đổi số vì lợi ích người dân, doanh nghiệp
Ngày đăng 26/10/2022 | 15:45  | View count: 63933

Năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/HM

Kinh tế số đã đạt 10,41% GDP

Tại Hội thảo "Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp" tổ chức ngày 9/10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT chia sẻ nếu coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch thì năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Trong năm 2022, định hướng trọng tâm của công tác chuyển đổi số quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua phổ cập dịch vụ trực tuyến, phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; phổ cập nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu; phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử; phổ cập nền tảng dạy học trực tuyến; phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe.

Lãnh đạo Cục Chuyển đổi số quốc gia cũng cho biết tính đến nay, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. 

Đáng chú ý, thống kê mới nhất của Cục Chuyển đổi số quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Tuy nhiên, con số này vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra tới năm 2025 là 20% GDP.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cũng chia sẻ, việc cấp thẻ căn cước công dân gắn chip (hiện đạt 71,8 triệu thẻ) đã mở ra cơ hội mới trong việc ứng dụng phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bộ Công an cũng đã triển khai xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử, chính thức cấp tài khoản định danh điện tử, đưa hệ thống vào vận hành kể từ ngày 18/7/2022.

Việc ứng dụng tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh xác thực điện tử là bước cải cách đột phá về thủ tục hành chính và giao dịch điện tử tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho người dân tiết kiệm thời gian, công sức, đồng thời đem lại lợi ích kinh tế rất to lớn như tiết kiệm 5.385 tỷ đồng tiền phát hành 107,7 triệu thẻ ATM hiện đang sử dụng khi triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân thay thẻ ATM.

Làm sao để tăng tốc chuyển đổi số?

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ đã hoàn thành thiết lập Cổng chuyển đổi số quốc gia tại địa chỉ dx.gov.vn. Đây là nơi cung cấp thông tin hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số.

Đầu tiên là chuyên trang về "Cẩm nang chuyển đổi số" dành cho mọi người. Cơ quan nhà nước có thể tìm thấy thông tin hữu ích tại chuyên trang về Chính phủ số. Doanh nghiệp có thể tìm thấy thông tin hữu ích tại chuyên trang SMEdx. Người dân có thể tìm thấy thông tin hữu ích dành cho mình tại chuyên trang về xã hội số. 

Thứ trưởng cũng cho biết, một trong những trở ngại lớn nhất để thực hiện chuyển đổi số là thiếu kỹ năng số. Vậy làm thế nào để bồi dưỡng kỹ năng hiệu quả cho hơn 2 triệu công chức, viên chức; làm thế nào để bồi dưỡng kỹ năng hiệu quả cho 100 triệu người dân Việt Nam?

"Nền tảng học trực tuyến mở đại trà là giải pháp hứa hẹn khả thi cho điều này. Bộ TT&TT đã triển khai nền tảng học trực tuyến mở đại trà tại địa chỉ: onetouch.mic.gov.vn

Cho đến nay, Bộ TT&TT đã triển khai 5 khóa học về chuyển đổi số cho lực lượng chuyên trách, lực lượng nòng cốt chuyển đổi số, cán bộ cấp xã và cho tổ công nghệ số cộng đồng", lãnh đạo Bộ TT&TT chia sẻ lời giải đáp cho 2 câu hỏi trên.

Thứ trưởng cũng cho biết, bảo đảm an toàn thông tin là yếu tố sống còn của chuyển đổi số. Mỗi một người dân được trang bị kỹ năng số cơ bản về an toàn thông tin, để tự bảo vệ mình, người thân của mình khỏi các nguy cơ tấn công, lừa đảo và các nguy cơ khác trên không gian mạng. 

Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng năm 2022 - đây là chiến dịch vì cộng đồng, hướng tới tất cả các cá nhân, doanh nghiệp; ngăn chặn tình trạng các website, máy chủ của Việt Nam thực hiện phát tán mã độc, tham gia vào hạ tầng điều khiển các mạng botnet gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh Việt Nam trên không gian mạng. Chuyên trang có thể được truy cập tại địa chỉ: khonggianmang.vn.

Đặc biệt trong tháng 10 này, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Bộ TT&TT đã tổ chức phát động Chương trình "Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số" hướng tới mục tiêu để người dân được thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số.

Chuyển đổi số Việt Nam là bắt đầu từ những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống hằng ngày của người dân, đưa hoạt động của người dân lên môi trường số. Theo đó, cơ quan nhà nước cùng cộng đồng doanh nghiệp đồng hành với người dân trong tiến trình chuyển đổi số bằng cách đồng loạt có chính sách ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số lên đến 50% giá sản phẩm, dịch vụ. 

Với khách hàng mới, đó là cơ hội được giảm tối đa 50% chi phí. Đối với khách hàng hiện nay, đó là cơ hội được sử dụng nhiều hơn 50% so với cùng chi phí bỏ ra. Tháng tiêu dùng số cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tiếp cận với đông đảo khách hàng tiềm năng.

Theo chinhphu.vn