Học tập HCM
Những con số biết nói từ kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội (KT-XH) của 53 DTTS do Ủy ban Dân tộc (UBDT) và Tổng cục Thống kê (TCTK) thực hiện lần thứ hai năm 2019 vừa công bố cho thấy bức tranh toàn cảnh về đời sống của đồng bào các DTTS.
Công tác giáo dục đào tạo vùng DTTS miền núi ngày càng được quan tâm, chú trọng. (Trong ảnh: Cô trò Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc).
Nhiều vấn đề còn trăn trở
Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS do UBDT và TCTK thực hiện lần thứ hai năm 2019 đã cung cấp toàn diện thông tin về KT-XH của vùng DTTS: Dân số và các đặc trưng nhân khẩu học của đồng bào DTTS; điều kiện nhà ở, sinh hoạt và đời sống văn hóa tinh thần của hộ DTTS...
Kết quả điều tra cho thấy, đến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vùng DTTS là 35,5%, giảm 1,2% so với năm 2015, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn cao gấp 3,5 lần tỷ lệ chung của toàn quốc (10,2%). Phần lớn đường giao thông từ trung tâm xã vùng DTTS đến trung tâm huyện đã được cứng hóa, đạt 95,2%. Có 97,2% số thôn, bản tiếp cận được lưới điện quốc gia, tuy nhiên vẫn còn 809 thôn, bản chưa có điện.
Về giáo dục, y tế, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào tuy đã có cải thiện đáng kể, nhưng hiện vẫn còn nhiều thiếu thốn. Tỷ lệ trường học kiên cố đã đạt 91,3% (tăng 14,2 % so với năm 2015). Tuy nhiên, vẫn còn 1.884 trường học bán kiên cố và đơn sơ. So với năm 2015, mức độ tiếp cận với giáo dục phổ thông của người DTTS đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là ở cấp THPT với tỷ lệ đi học ở cấp này tăng 8,9%. Tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế cấp xã theo chuẩn quốc gia giai đoạn đến 2020 đạt 83,5%, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015 (45,8%). Tỷ lệ xã vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa có nhà văn hóa còn lớn, chiếm 34,2%, giảm gần một nửa so với năm 2015 (56%). Cả nước vẫn còn 20,8% hộ DTTS đang sống trong các ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ.
Kết quả điều tra cũng chứng minh, hiện có 8,03 triệu người DTTS từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khoảng 83%. Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên chỉ khoảng 10%. Đây là hạn chế của lực lượng lao động là người DTTS trong việc tiếp cận thị trường lao động và nâng cao năng suất lao động tạo thu nhập.
Căn cứ để xây dựng chiến lược phát triển
Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS là cuộc điều tra lần thứ hai được thực hiện tại Việt Nam. Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến khẳng định: Kết quả điều tra cho thấy, trong 5 năm qua, Đảng và Nhà nước (trực tiếp là Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ) các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm đặc biệt, dành nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh ở vùng DTTS và miền núi. Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, vùng DTTS và miền núi đã có bước phát triển mới, đời sống của đồng bào được nâng lên rõ rệt. Nhưng trên thực tế, vẫn còn một số vấn đề đáng lưu tâm.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến, kết quả điều tra là căn cứ có tính pháp lý để đánh giá kết quả thực hiện các chính sách dân tộc giai đoạn 2015 - 2020 và chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011 - 2020; chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển KT-XH đến năm 2030, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, chuẩn bị văn kiện phục vụ Đại hội Đại biểu các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nghị quyết phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã được Quốc hội thông qua, đó là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, nhằm tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết trong cuộc sống của đồng bào DTTS. Kết quả điều tra là nguồn thông tin, tư liệu chính thức, tin cậy để căn cứ xây dựng chính sách dân tộc; hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Trích nguồn báo Dân tộc