Khen thưởng xử phạt

Văn hóa - Một năm nhìn lại
Ngày đăng 07/01/2020 | 10:14  | View count: 32750

Năm 2019 đã đi qua, đánh dấu một năm với rất nhiều các sự kiện văn hóa lớn, nhỏ được tổ chức. Mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng nhìn chung bức tranh văn hóa năm 2019 vẫn là những điểm sáng mang dấu ấn đặc biệt.

Đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay được phê duyệt góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn trang phục các DTTS
Đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay được phê duyệt góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn trang phục các DTTS

Điểm nổi bật nhất trong bức tranh văn hóa năm qua có lẽ là mảng màu về du lịch. Năm 2019, lượng khách du lịch ước đạt 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng trên 16% so với năm 2018); phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa (tăng trên 6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16%).

Không chỉ đạt mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế năm 2019 như Chính phủ giao, hướng tới mục tiêu đón 20,5 triệu khách quốc tế năm 2020, du lịch Việt Nam còn nhận được nhiều đánh giá tích cực. Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 26 (World Travel Awards - WTA), Việt Nam lần đầu chiến thắng tại hạng mục "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019" và "Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019". Một loạt danh hiệu khác: "Điểm đến hàng đầu châu Á 2019", Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019, "Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019". Đây là năm đầu tiên Việt Nam đạt danh hiệu "Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á", năm thứ hai liên tiếp đạt danh hiệu "Điểm đến hàng đầu châu Á", và năm thứ ba là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á".

Trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đã đạt được kết quả quan trọng. Đặc biệt, thành tích nổi bật nhất phải kể tới là "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại hôm 12/12/2019.

Việc ghi danh nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam làm nổi bật sự đóng góp của di sản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc, thu hút sự chú ý đến các di sản khác trên khắp thế giới. Sức sống của di sản được bảo đảm bởi các cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng. Cũng trong năm 2019, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm 2019, Việt Nam nhận Giải thưởng Du lịch thế giới hạng mục Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019. (Trong ảnh: Quẩn thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình)
Năm 2019, Việt Nam nhận Giải thưởng Du lịch thế giới hạng mục Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019. (Trong ảnh: Quẩn thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình)

Năm qua, các chính sách đối với đồng bào DTTS cũng đã được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, định hướng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 209/QĐ- BVHTTDL về việc phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay". Mục tiêu của Đề án nhằm bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các DTTS đáp ứng yêu cầu "di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu" góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các DTTS Việt Nam. Đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các DTTS, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.

Bước sang năm 2020, mặc dù vẫn còn rất nhiều những khó khăn thử thách, nhưng với quyết tâm của toàn ngành, hy vọng bức tranh văn hóa sẽ ngày càng sáng hơn, đẹp hơn, góp phần tô thắm thêm truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc, tạo động lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước.

Trích nguồn: Báo Dân tộc