Tin nổi bật

Ra mắt “ChatGPT phiên bản Việt, công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2023
Ngày đăng 03/01/2024 | 10:00  | View count: 1792

Ra mắt ViGPT - "ChatGPT phiên bản Việt"; Công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2023;... là những thông tin công nghệ trong nước nổi bật tuần qua.

Công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2023

Ngày 26/12/2023, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) đã công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2023Anh-tin-bai

Lễ công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2023.

10 sự kiện ICT tiêu biểu được hơn 50 nhà báo chuyên theo dõi ICT từ 43 cơ quan báo chí hàng đầu Việt Nam đề cử và lựa chọn.

Top 10 sự kiện ICT tiêu biểu của Việt Nam năm 2023

1. Quốc hội thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi)
2. Chuẩn hóa thông tin cho hàng triệu thuê bao
3. Quốc hội Thông qua Luật Giao dịch điện tử
4. Nhiều tập đoàn bán dẫn nước ngoài khai trương nhà máy sản xuất bán dẫn tại Việt Nam
5. Bùng phát lừa đảo trên không gian mạng
6. Lần đầu tiên kiểm tra mạng xã hội xuyên biên giới TikTok
7. Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chiến lược Chuyển đổi số báo chí
8. FPT đạt 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài
9. Bỏ đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt cho game online.
10. Khánh thành trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam tại Hòa Lạc

Ra mắt ViGPT - "ChatGPT phiên bản Việt"

Tối ngày 27/12, VinBigdata đã chính thức ra mắt ViGPT, "phiên bản ChatGPT tiếng Việt" đầu tiên cho cộng đồng tại Việt Nam.Anh-tin-bai

Ông Nguyễn Kim Anh, Giám đốc sản phẩm VinBigdata trình bày về ViGPT.

Theo Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata: Việc ra mắt một "ChatGPT phiên bản Việt" đánh dấu khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam. 

Cao hơn thế nữa, qua việc làm chủ công nghệ, có thể tự chủ khai thác, bảo vệ an ninh dữ liệu quốc gia, cùng hệ tri thức, tư tưởng mang bản sắc Việt Nam. 

Sẽ có 3 phiên bản ViGPT được đưa đến người dùng cuối, trong đó,phiên bản cho cộng đồng sở hữu lượng tri thức rộng lớn, với khả năng sáng tạo nội dung, tìm kiếm, tổng hợp, trích xuất thông tin, giải đáp các câu hỏi thường thức. 

Phiên bản tiếp theo sẽ được dành riêng cho cộng đồng khoa học với những kiến thức đặc thù riêng biệt.

Phiên bản doanh nghiệp được tích hợp trong nền tảng trí tuệ nhân tạo VinBase 2.0, sẽ góp phần làm thay đổi thói quen vận hành và nâng tầm hiệu quả kinh doanh, marketing, dịch vụ khách hàng, quản trị rủi ro. 

Việt Nam phát triển kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á

Chiều 28/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ 7 của Ủy ban nhằm tổng kết hoạt động năm 2023, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024.

Theo thông tin tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp 2022, 2023.

Anh-tin-bai

 Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên họp thứ 7.

Thủ tướng đánh giá năm 2023, chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Năm Dữ liệu số quốc gia 2023 đã tạo những nền tảng cơ bản trong tạo lập và chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước, tạo nền móng cho phát triển cả 3 trụ cột (Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số).

Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023); thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19% (theo Google, Temasek). Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.

Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam tăng khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Năm 2023, Việt Nam đã có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022. Đến hết năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính.

Công bố phương án đấu giá băng tần cho 5G

Thông tin về kế hoạch đấu giá tần số cho 5G của Việt Nam tại tọa đàm chủ đề "Thương mại hóa 5G, xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam" được Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức ngày 26/12 tại Hà Nội, bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) khẳng định: Hiện tại, các quy định pháp luật để triển khai đấu giá tần số 5G đã đầy đủ và hoàn thiện. 

Anh-tin-bai

Bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) trao đổi tại tọa đàm. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Bộ TT&TT dự định sẽ đấu giá trước băng tần tầm trung cho 5G và hiện nay Cục Tần số vô tuyến điện đang triển khai. 

"Dự kiến tháng 1/2024, Bộ TT&TT sẽ công bố phương án tổ chức đấu giá băng tần để các doanh nghiệp nắm bắt và tham gia. Hy vọng cuộc đấu giá sẽ thành công tốt đẹp và kết thúc vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2024", bà Vũ Thu Hiền thông tin thêm.

Cũng theo đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, sau khi đấu giá xong băng tần tầm trung, Bộ TT&TT sẽ đánh giá nhu cầu của thị trường để thực hiện việc đấu giá tiếp các băng tần khác. 

Quy hoạch hiện đã xác định các băng tần khác cho 5G, ví dụ như băng tần thấp 700MHZ hay băng tần cao 26GHZ, sẽ là những băng tần trong tương lai Việt Nam được xem xét để cấp phép cho 5G. 

Nguồn: vietnamnet.vn