Xuất bản thông tin
Bình đẳng giới là nam và nữ đều được tiếp cận với giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, việc làm, tăng thu nhập, tham gia vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị,... Bình đẳng giới có nghĩa là không còn sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, phụ nữ và nam giới cùng có địa vị bình đẳng trong xã hội. Bình đẳng không có nghĩa là nam giới và phụ nữ hoàn toàn như nhau mà là các điểm tương đồng và khác biệt giữa họ được thừa nhận và tôn trọng.
Từ bao đời nay, người ta vẫn quan niệm việc nhà là việc của phụ nữ. Đó là những công việc vặt vãnh, không tên, nhẹ nhàng, đơn giản, ai làm cũng được. Chính nhiều phụ nữ cũng còn cho rằng chỉ có mình mới làm tốt công việc nội trợ; có một số phụ nữ không khuyến khích nam giới làm mà còn tỏ ra ái ngại khi thấy chồng hoặc con trai làm những công việc nội trợ một cách vụng về.
Nam giới ít khi làm việc nhà vì họ nghĩ rằng: Nam giới là trụ cột gia đình nên chỉ làm việc lớn; nam giới làm việc vặt sẽ mất thể diện với mọi người trong gia đình, bạn bè, hàng xóm; trong khi phụ nữ làm việc nhà khéo hơn nam giới; Trách nhiệm của phụ nữ là sinh đẻ, nuôi dạy con gắn với nội trợ trong gia đình; Mẹ nói năng nhẹ nhàng, tình cảm nên để mẹ dạy con tốt hơn còn bố nóng tính, hay quát mắng con làm con dễ sợ và bố chỉ dạy con việc lớn, nhất là ở chế độ mẫu hệ trong đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, nam giới không thường xuyên làm việc nhà, họ chỉ làm khi không có người phụ nữ nào giúp; nhưng trong thực tế nam giới cũng có thể làm tốt các công việc như đi chợ, nấu ăn, chăm sóc người già, trẻ con, người ốm, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, chăm sóc, dạy dỗ con...
Trong chăm sóc và dạy dỗ con cái, Vẫn còn các bậc cha mẹ quan niệm con gái chỉ cần học vừa đủ. Khi gia đình gặp khó khăn về kinh tế hoặc thiếu lao động thì các bậc cha mẹ thường nghĩ đến việc cho con gái nghỉ học. Một số bậc cha mẹ thường nghĩ rằng con gái là con người ta nên ở nhà giúp đỡ bố mẹ một thời gian rồi đi lấy chồng.
Nhiều ông bố không quan tâm tới việc học hành của con mà giao phó hoàn toàn cho nhà trường và người mẹ. Nhiều ông bố cho rằng: bố nóng tính hay quát mắng con nên dạy con thường làm con sợ, khó tiếp thu bài.
Song thực tế nam giới hoàn toàn có khả năng làm tốt và làm chu đáo tất cả các công việc giáo dục con, giúp con phát triển toàn diện bằng cách hướng dẫn, khuyến khích, quan tâm tới việc học tập của con như: Mua sách vở, đồ dùng học tập cho con; họp phụ huynh; đưa con đi học; hàng ngày kiểm tra sách vở, nhắc nhở con học bài; giải đáp thắc mắc của con; dạy con biết cách cư xử với mọi người trong gia đình và ngoài xã hội; tâm tình, trò chuyện với con; động viên, khen ngợi khi con làm được những việc tốt...
Trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, Vợ, chồng có kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản sẽ tự tin, chủ động lựa chọn và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản có lợi nhất.
Phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khoẻ sinh sản sẽ có sức khoẻ, trẻ trung, nhan sắc tốt hơn; bên cạnh đó người chồng được hưởng hạnh phúc nhiều hơn do được vợ quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Gia đình có điều kiện và cơ hội phát triển kinh tế, nuôi dạy con tốt hơn. Vợ, chồng có điều kiện tham gia hoạt động xã hội, được tận hưởng hạnh phúc nhiều hơn.
Khi vợ mang thai người chồng cần: giúp vợ làm việc nhà; đưa vợ đi khám thai; đảm bảo dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi, động viên tinh thần cho vợ; không để vợ tiếp xúc với chất độc hại…Sau khi sinh: vợ, chồng lựa chọn một biện pháp tránh thai phù hợp; cùng chăm sóc, nuôi dạy con với tất cả tình yêu thương và khả năng tốt nhất; cha và mẹ tạo điều kiện để các con được tiếp cận các thông tin về chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên.
Trong phòng, chống bạo lực gia đình, Mọi người, đặc biệt là người chồng, phải chủ động tìm hiểu thông tin liên quan đến chống phân biệt đối xử với phụ nữ để nâng cao sự hiểu biết mọi mặt, từ đó có hành vi đúng đắn trong quan hệ ứng xử với vợ và người khác vì sự hoà thuận và hạnh phúc gia đình.
Phụ nữ, người vợ chủ động tìm hiểu các quyền mà phụ nữ được hưởng theo quy định của pháp luật, từ đó có hành vi đúng đắn trong quan hệ ứng xử với chồng và mọi người trong gia đình. Vợ, chồng cùng tham gia bàn bạc, quyết định các vấn đề của gia đình như: Phát triển kinh tế gia đình, mua sắm tài sản gia đình; định hướng nghề nghiệp cho con…
Để từng bước nâng cao bình đẳng giới, đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo đảm quyển con người, chúng ta cần làm tốt một số vấn đề sau:
Một là nâng cao nhận thức về bình đẳng giới: Có thể nói tình trạng nhận thức sai lầm, lệch lạc về giới và bình đẳng giới cần phải sớm được khắc phục. Trong nhận thức nói chung của xã hội có thể vẫn còn nhiều người cho rằng bảo đảm bình đẳng giới là đem lại nhiều quyền và cơ hội hơn cho nữ giới. Có trường hợp lại cho rằng bình đẳng giới là xóa bỏ sự khác biệt về giới trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, là việc đàn ông cũng phải làm những công việc như phụ nữ và ngược lại.
Tuy nhiên tình trạng "trọng nam, khinh nữ" vẫn đang là một vấn đề tư tưởng lớn, hạn chế không chỉ quyền của nữ giới mà còn hạn chế cả về sự phát triển của xã hội. Bình đẳng giới cũng như quyền con người là một vấn đề về sự tiến bộ của xã hội. Bình đẳng giới nếu được giảm thiểu tất yếu sẽ tạo điều kiện cho nữ giới đóng góp nhiều hơn cho phát triển. Cho đến nay chưa có giải thích nào thỏa đáng cho tỷ lệ nữ thấp, thậm chí là rất thấp trong các cơ quan. Điều này không chỉ bởi sự lạc hậu trong nhận thức của nam giới mà ở cả nữ giới. Nói rằng bất bình đẳng giới bắt nguồn từ văn hóa, từ sự lạc hậu của phương Đông là chưa thỏa đáng.
Hai là thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới; hoàn thiện chính sách, chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới: Ngay từ khi chưa trở thành thành viên của Liên hợp quốc, Nhà nước ta đã tự nhận trách nhiệm, cam kết thực hiện những công ước quốc tế quan trọng về quyền con người. Ngay sau khi gia nhập các công ước Quốc tế Nhà nước đã có nhiều hoạt động bảo đảm các quyền con người theo những chuẩn mực của công ước, trong đó có công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Trong lĩnh vực bình đẳng giới, Nhà nước ta đã hoàn thiện Luật Hôn nhân gia đình. Có thể nói vấn đề bình đẳng giới đã sớm được luật hóa trong pháp luật Việt Nam. Đồng thời luật này thường xuyên được cập nhật, sửa đổi, bổ sung phù hợp với sự phát triển của tư duy chính trị, pháp lý của Đảng và Nhà nước và ban hành Luật Bình đẳng giới.
Để thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, từ thực tiễn chúng ta cần cần tập trung những vấn đề cơ bản sau
Thứ nhất, cần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bình đẳng giới. Trên cơ sở chủ trương, chính sách, pháp luật đã được ban hành các ngành, các cấp cần cụ thể hóa các mục tiêu trong các chính sách, chương trình, dự án công tác. Các cơ quan tổ chức cần đề ra chỉ tiêu phấn đấu cụ thể lồng ghép trong các nhiệm vụ, giải pháp của cơ quan, đơn vị
Thứ hai, trên cơ sở chương trình được phê duyệt, các cấp, các ngành xây dựng cần lập kế hoạch thực hiện các mục tiêu đã đề ra trên các lĩnh vực.
Chẳng hạn về chính trị cần có chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử, cấp ủy, lãnh đạo đoàn thể xã hội; cần có chương trình học tập, đào tạo nâng cao trình độ, bao gồm kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho nữ giới. Trên lĩnh vực kinh tế các ngành, các cấp cần quan tâm đến các dịch vụ mà nữ giới có thể tham gia. Trong điều kiện kinh tế thị trường các cơ quan tổ chức nhất là các đoàn thể cần có kế hoạch thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp công ty trên địa bàn tuyên truyền phổ biến về Luật Lao động, Luật Bình đẳng giới nhằm bảo vệ quyền của nữ giới trong lao động.
Thứ ba, Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái, lạm dụng tình dục đang là những vấn đề " nóng" cần giải quyết. Lãnh đạo Đảng, Chính quyền các cấp cần đặc biệt quan tâm vấn đề này. Các cơ quan pháp luật cần có biện pháp xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Thậm chí có thể sửa đổi pháp luật, nâng cao khung hình phạt đối với các tội phạm về bạo lực giới, buôn bán và lạm dụng tình dục đối với nữ giới. Cần nhân rộng các mô hình tuyên truyền về bình đẳng giới như "Câu lạc bộ bình đẳng giới", tổ công tác "tư vấn, hỗ trợ bạo lực giới".
Thứ tư, loại bỏ các phong tục tập quán lỗi thời, lạc hậu mang tính định kiến giới. Ở Việt Nam hiện nay, phong tục tập quán vẫn có giá trị quan trọng trong đời sống con người, trong đó có cả những phong tục tập quán văn minh, tiến bộ đồng thời vẫn có những phong tục, tập quán lỗi thời lạc hậu, vi phạm quyền con người, trong đó có quyền bình đẳng nam nữ. Vì vậy, nhà nước cần áp dụng những phong tục tập quán tích cực, loại trừ dần những quy định cổ hủ, lạc hậu thực tiễn có hại cho phụ nữ và trẻ em.
Thứ năm, thu hẹp khoảng cách về giới tại nơi làm việc. Pháp luật đã có quy định cụ thể về nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử dựa trên giới tính, song cần bảo đảm việc thực thi pháp luật về bình đẳng giới trên thực tế. Cần nâng cao nhận thức của nhân dân về lợi ích kinh tế và xã hội của bình đẳng giới và thay đổi tư duy của người sử dụng lao động nhằm gỡ bỏ những định kiến và rào cản văn hóa đối với cả hai giới
Nhà nước giúp các cơ sở lao động có cơ chế linh hoạt đối với lao động trong lĩnh vực thai sản, cung cấp và xã hội hóa các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc trẻ em để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động dù họ là phụ nữ hay nam giới; đảm bảo phụ nữ và nam giới được tạo cơ hội bình đẳng như nhau trong các chương trình đào tạo và hướng dẫn đặc biệt
Bình đẳng giới nói riêng, bình đẳng nói chung là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của quyền con người. Bất bình đẳng giới tác động tiêu cực và ngược lại bình đẳng giới sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển và bảo đảm quyền con người, điều này là tất yếu với không chỉ riêng một quốc gia nào. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quyền con người đã tạo nên lãnh địa chung duy nhất trên toàn cầu, trong đó phụ nữ và nam giới là hai người chủ có vai trò quan trọng như nhau trong việc xây dựng nên ngôi nhà chung. Trong ngôi nhà chung đó, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội, lao động, giáo dục… đều đòi hỏi có sự bình đẳng trong việc phân công cũng như trong cơ hội tiếp cận dành cho cả hai người. Bảo đảm bình đẳng giới cần được thực hiện không chỉ từ góc độ pháp luật mà còn cần có sự thay đổi từ nhận thức đến hành vi của mỗi cá nhân trong cộng đồng nhân loại, trong đó giá trị đạo đức và văn hóa của mỗi quốc gia đóng vai trò đặc biệt quan trọng./.
Ngọc Quân