Xuất bản thông tin

Nau M’pring - Di sản văn hóa phi vật thể vô giá của người M'nông
Ngày đăng 09/07/2021 | 10:27  | View count: 118626

Dân ca của người M'nông ở Đắk Nông (còn gọi là Nau M'pring), là hình thức diễn xướng dân gian (không có nhạc đệm) được người M'nông sáng tác, sản sinh từ lao động sản xuất, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được cộng đồng coi là tài sản chung của tộc người.

Diễn tấu cồng chiêng (Ảnh TL)

Dân ca M'nông được bắt nguồn từ một nền nông nghiệp nương rẫy, hình thành cơ bản trên cơ sở lời nói vần, một hình thức đặc biệt trong ngôn ngữ của tộc người M'nông. Mặc dù đã trải qua quá trình giao lưu văn hóa sâu rộng song dân ca M'nông vẫn phát triển, phong phú về thể loại, đa dạng về thang âm và giữ được những nét đặc trưng. Hình thức truyền miệng dân ca vẫn là phương thức lưu truyền, phổ biến trong cộng đồng.

Dân ca M'nông có nhiều thể loại như: Hát ru con, hát đồng dao, hát kể sử thi, hát khóc, hát khấn thần, hát giao duyên, hát múa… Về cách thể hiện thì có 2 hình thức diễn xướng là độc diễn (hát một người) và hát đối đáp: giao duyên nam nữ hoặc những người lớn tuổi với nhau.

Dân ca M'nông gồm hai thành phần cơ bản gắn bó và hỗ trợ cho nhau là lời ca và âm nhạc (Ảnh BĐN)

Hát ru con có cung bậc âm thanh trầm, đều đặn, sâu lắng của người bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em… khiến em bé dễ đi vào giấc ngủ. Thậm chí, ngay cả khi địu con trên đường lên nương, hay đang lao động sản xuất, phụ nữ M'nông cũng thường hay ru con. Hầu hết những bài hát ru đều có nội dung nói về nhận thức, ước mơ, hoài bão của các bà, các mẹ, các chị về cháu, con, em mình. Bài hát ru "Đi rừng" là cả bức tranh sinh động về núi rừng, ước mơ, hoài bão về đứa con sau này khỏe mạnh: "Em ta ơi, mau cao lớn nhé/Em ta ơi, cầm rổ xúc cá/Em ta ơi, cầm nỏ bắn sóc". Với nội dung đó và giai điệu sâu lắng, có lẽ em bé sẽ được chắp thêm đôi cánh ước mơ, ngay từ khi tuổi còn thơ.

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện chỉ còn khoảng 20 nghệ nhân có thực hành và truyền dạy dân ca M'nông (Ảnh: BĐN)

Hát kể là hình thức tự sự với nội dung kể lại cuộc sống, qua đó bộc lộ tâm tư tình cảm của con người. Hát kể thường được đồng bào M'nông sử dụng để trao đổi chuyện trò, tâm sự với nhau trong dịp lễ hội hay lâu ngày mới gặp nhau. Đặc biệt, trong những lúc rảnh rỗi, những đêm giá lạnh quây quần bên bếp lửa, hay trong lễ hội nào đó, bà con hát kể sử thi (Ót n'rông). Nội dung hát kể vừa hiện thực vừa kỳ ảo, được thể hiện bằng ngôn ngữ có vần điệu, nhịp nhàng, nhiều hình ảnh, hình tượng và có tính xúc cảm cao. Nhiều khi hát kể sử thi còn có một số yếu tố ngoài ngôn ngữ như cử chỉ, nét mặt, hành động của người kể để diễn tả nhân vật.

Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung, dân tộc M'nông nói riêng chỉ còn rất ít người biết hát kể sử thi

Còn đối với những bài có nội dung về hiện thực đời sống thì ngôn ngữ thường mang đậm tính khẩu ngữ hàng ngày, nhưng ngắn gọn, súc tích, ý nghĩa, lời gọn và ý hay. Chẳng hạn như bài "Mong gặp người yêu" có đoạn: "Xa cách nay đã lâu lắm rồi/ Xa cách nhau đã lâu chờ theo vầng trăng/ Lúa tốt nay đã mục ra/Chắc người ta đã bỏ mình thật rồi…".

Dân ca M'nông chính là hình thức giao tiếp giữa con người với thế giới siêu nhiên, hát về tình yêu đôi lứa, ca ngợi những chàng trai anh dũng chống lại cái ác để bảo vệ buôn làng, thiên nhiên tươi đẹp. Dân ca M'nông bảo vệ và trao truyền các tri thức về tự nhiên, xã hội và con người như: các hiện tượng nắng, mưa, gió, bão, sấm sét, đêm ngày, núi rừng, sông suối, ao hồ, đầm lầy, trời đất...; ứng xử với tự nhiên trong lao động sản xuất, săn bắt, hái lượm...; ứng xử giữa con người với nhau; về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.

Đồng bào Mnông diễn tấu cồng chiêng trong nghi lễ nông nghiệp

Bên cạnh đó, dân ca M'nông góp phần cố kết cộng đồng, giáo dục các thế hệ về ý thức cội nguồn dân tộc, bản sắc tộc người, đạo đức trong gia đình và trong cộng đồng, tình yêu đôi lứa, trao truyền kinh nghiệm lao động sản xuất… để truyền dạy cho thế hệ sau.

Trích nguồn Báo Dân tộc