Thông tin chỉ đạo, điều hành
Từ xa xưa, đồng bào Tây Nguyên nói chung và người M'nông nói riêng đã biết chế tạo nhiều công cụ, vật dụng để săn bắt thú rừng và chống kẻ thù như nỏ, xà gạc, cung tên, khiên… Trong đó, chiếc khiên vừa là dụng cụ che chắn cho người sử dụng vừa là binh khí quan trọng khi chiến đấu.
Khiên của người M'nông có hình dáng chiếc nón, màu nâu đen, có đường kính chừng 70 cm và được chia thành hai phần: thân khiên, tay cầm và hoa văn trang trí. Thân khiên có hình chóp nón, được người thợ đục đẽo từ một cây gỗ nguyên thân có độ đày trung bình 2 cm. Tay cầm có hình dấu ngoặc kép được gắn vào chính giữa lòng chiếc khiên có tác dụng giúp cho người cầm khi chiến đấu hoặc sử dụng.
Chiếc khiên của người M'nông
Khiên được người M'nông sử dụng khi đi săn bắn, tránh đánh nhau với thú dữ; trong chiến đấu thì khiên dùng để che chắn đỡ mũi tên, ná…
Để làm ra được một chiến khiên mất rất nhiều công đoạn và phải tuân thủ các luật tục, nghi thức thần linh một cách nghiêm ngặt. Người M'nông thường chọn những cây thân gỗ có kích thước lớn và cây được chọn làm khiên chỉ được ước lượng đường kính, kích thước, chiều cao, tuyệt đối không được dùng thước để đo tránh làm náo động đến thần cây. Khiên được làm từ gỗ nguyên thân và sử dụng các dụng cụ như dao, rìu, đục…để làm tại nơi lấy cây.
Sau đó, người thợ dùng rìu, dao để tu chỉnh và đục cho đến khi thông nhau. Khi khiên được hoàn thiện, người thợ không đưa về nhà ngay mà để lại trong rừng cho đến khô (khoảng 10-15 ngày). Để lấy khiên về nhà, nhất định phải làm lễ cúng rước khiên, lễ vật tùy thuộc vào kinh tế của từng gia đình, thường thì 1 con heo hoặc 1 con gà.
Người chịu trách nhiệm cúng khiên phải là người lớn tuổi nhất trong gia đình và lấy máu con vật hiến sinh (chủ yếu là gà) bôi lên chiếc khiên để cầu mong thần linh che chở và ban những điều may mắn khi sử dụng khiên.
Ngày nay, việc chế tác cũng như sử dụng khiên hầu như không còn. Nhưng một số gia đình đã mang khiên tặng Bảo tàng tỉnh để lưu giữ và phục vụ trưng bày lâu dài.
Trích nguồn: Báo Đăk Nông