Tin nổi bật

75 năm đồng hành cùng sự phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi
Ngày đăng 03/05/2021 | 09:56  | View count: 130726

Cách đây 75 năm, ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58/SL thành lập Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số - tổ chức tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay. Từ Nha Dân tộc thiểu số đến Ủy ban Dân tộc – một chặng đường 75 năm lịch sử. Trên chặng đường không ít gian lao nhưng cũng rất đỗi tự hào ấy, cơ quan làm công tác dân tộc luôn hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ là tham mưu cho Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, từ đó đóng góp quan trọng vào sự phát triển toàn diện của vùng DTTS và miền núi.

Đồng chí Hầu A Lềnh trao đổi với các đại biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020.
Đồng chí Hầu A Lềnh trao đổi với các đại biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020.

Vẻ vang chặng đường 75 năm

Ngược dòng thời gian trở lại 75 năm trước, chiếu theo Sắc lệnh số 58/SL, tiếp đó ngày 9/9/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Nghị định số 359 quy định chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số. Sau khi được thành lập, Nha Dân tộc thiểu số đã tổ chức thực hiện công tác vận động đồng bào các dân tộc nhận rõ âm mưu chia rẽ của kẻ thù, tập hợp Nhân dân tham gia các tổ chức, đoàn thể, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bảo vệ cơ sở cách mạng, làm cho vùng dân tộc thực sự là chỗ dựa vững chắc của Đảng và Chính phủ.

Nha Dân tộc thiểu số mới thành lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vùng DTTS và miền núi trở thành căn cứ địa vững chắc cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Năm 1947, Tổ Nghiên cứu dân tộc thuộc Ban Mặt trận – Dân vận Trung ương được thành lập, tiếp tục nhiệm vụ của Nha Dân tộc thiểu số với phương hướng hoạt động công tác dân tộc phù hợp trong tình hình mới.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cơ quan công tác dân tộc trở thành một bộ phận quan trọng của Mặt trận Dân tộc thống nhất, vừa tổ chức tham mưu về dân tộc của Chính phủ kháng chiến, vừa vận động đồng bào các dân tộc huy động sức người, sức của ủng hộ kháng chiến, mặt khác vận động các tộc trưởng, tù trưởng, phìa tạo... đi theo kháng chiến, đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Nhờ đó, suốt 9 năm kháng chiến, đồng bào các DTTS luôn ngoan cường, lập nhiều chiến công oanh liệt. Đã xuất hiện nhiều tấm gương trung kiên, tiêu biểu là người DTTS. Họ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc, như các Anh hùng: La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Đinh Núp... cùng hàng vạn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh.

Đồng chí Hầu A Lềnh tặng quà cho các hộ nghèo trên địa bàn xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (Năm 2018).
Đồng chí Hầu A Lềnh tặng quà cho các hộ nghèo trên địa bàn xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (Năm 2018).

Cho dù bị kẻ thù đàn áp, cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn nhưng ở đâu, đồng bào các DTTS đều hết lòng cưu mang, giúp đỡ bộ đội và cán bộ. Riêng khu Việt Bắc đã góp đến 13 triệu ngày công tham gia các chiến dịch lớn. Ở Tây Nguyên, đồng bào huyện An Khê (Gia Lai), phần đông là người Ba Na đã ủng hộ chiến dịch Đông - Xuân 1946 - 1947 hàng trăm tấn thóc; hàng trăm con trâu, bò.

Trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ ngoài Bắc, đồng bào các DTTS ở Nam Trung Bộ đã góp 6 triệu ngày công, 1.000 ngựa thồ, hàng chục thớt voi và tham gia vận chuyển trên 10.000 tấn vật phẩm tiếp tế cho bộ đội…

Máu và công lao của đồng bào các DTTS đã góp phần vào chiến công chung qua các chiến dịch quan trọng. Trong đó lớn nhất và quan trọng nhất là chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, giáng đòn quyết định xoay chuyển cục diện chiến tranh, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp nghị Giơnevơ cam kết tôn trọng hòa bình, độc lập của Việt Nam.

Từ sau năm 1954, công tác dân tộc được tổ chức thực hiện với những nội dung và hình thức hoạt động mới phù hợp với yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Ngày 29/1/1955, Tiểu Ban Dân tộc ở Trung ương dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương. Đến ngày 6/3/1959, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 17 nâng Tiểu ban Dân tộc thành Ủy ban Dân tộc thuộc Hội đồng Chính phủ.

Trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ủy ban Dân tộc đã cử nhiều cán bộ là người DTTS vào Nam công tác, gây dựng cơ sở, lãnh đạo phong trào. Tại địa bàn Tây Nguyên, cán bộ làm công tác dân tộc đã vận động đồng bào các DTTS xây dựng căn cứ địa vững chắc. Mỗi buôn làng là một trận tuyến đánh địch, những chiến sĩ du kích đã sát cánh cùng quân giải phóng làm lên những chiến công lẫy lừng như Plei Me, Đắk Tô, Tân Cảnh và Chiến thắng Buôn Ma Thuột tháng 3/1975 tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ở Tây Nam Bộ, các cán bộ làm công tác dân tộc đã lập ra các Ban Khmer vận động và phát triển từ tỉnh xuống đến các huyện đấu tranh quyết liệt, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ, góp phần làm nên thắng lợi cuối cùng là thống nhất đất nước, thu non sông liền một dải.

Sau ngày đất nước thống nhất, thực hiện đường lối của Đảng, để phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, hệ thống tổ chức cơ quan công tác dân tộc tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Theo Nghị định 11/CP ngày 20/2/1993 của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và Miền núi được thành lập trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Miền núi thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Ban Dân tộc Trung ương.

Đến năm 2002, theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XI, Ủy ban Dân tộc và Miền núi trở lại với tên gọi là Ủy ban Dân tộc như ngày nay. Cũng từ đây, Ủy ban Dân tộc tiếp tục tham mưu, đề xuất, xây dựng và tổ chức thực hiện hàng loạt chương trình, chính sách, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh trò chuyện với Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS tỉnh Lào Cai bên lề buổi Gặp mặt Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống cơ quan công tác dân tộc, tại Lào Cai, ngày 28/4.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh trò chuyện với Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS tỉnh Lào Cai bên lề buổi Gặp mặt Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống cơ quan công tác dân tộc, tại Lào Cai, ngày 28/4.

Phát triển và hội nhập

Tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang của cơ quan công tác dân tộc, những năm qua, cơ quan công tác dân tộc đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, đưa công tác dân tộc lên một tầm cao mới. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp ngày càng trưởng thành về mọi mặt; ngày càng nỗ lực phát huy ưu điểm, khắc phục khó khăn, hạn chế; phấn đấu làm được nhiều điều hơn nữa cho đồng bào các dân tộc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong dòng chảy đổi mới, Ủy ban Dân tộc đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nắm bắt tình hình đời sống kinh tế - xã hội và tâm tư nguyện vọng của đồng bào các DTTS, tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng và Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, từ đó tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để vùng đồng bào DTTS và miền núi bắt nhịp cùng tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước.

Nhờ những chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng, công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi của nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Hiện nay, diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đã thay đổi căn bản; đời sống của đồng bào các DTTS từng bước được cải thiện; trình độ dân trí được nâng lên, tập quán và kỹ thuật sản xuất của đồng bào DTTS có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa; tỷ lệ thôn bản có điện, đường, lớp học, nhà văn hóa, công trình thủy lợi tăng lên; đội ngũ cán bộ cơ sở được bồi dưỡng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được tăng cường; niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố.

Đặc biệt, vùng DTTS và miền núi đã có 1.052 xã (chiếm 22,3%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó 106 xã từ đặc biệt khó khăn phấn đấu trở thành xã NTM; có 27 huyện ở vùng DTTS và miền núi (chiếm 6%) đạt chuẩn NTM. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm 2 - 3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%; các huyện nghèo giảm 4 - 5%, có nơi giảm trên 5%. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn vùng giảm 1,2%; đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Bước vào năm 2021, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng, lĩnh vực công tác dân tộc đón thời cơ mới; vùng đồng bào DTTS và miền núi đón vận hội mới. Trước đó, năm 2019, Ủy ban Dân tộc đã tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, trọng tâm là tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 - NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65 - KL/TW, ngày 30/10/2019; trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Dấu ấn lịch sử trong lĩnh vực công tác dân tộc, khẳng định vai trò của Ủy ban Dân tộc trong nhiệm kỳ qua là việc tham mưu, đề xuất, xây dựng Đề án Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đề án đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019.

Đề án là giải pháp quan trọng, đột phá, nhằm tập trung nguồn lực phát triển toàn diện, bền vững vùng DTTS và miền núi. Thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ về việc triển khai thực hiện NQ 88/2019/QH14. Ủy ban Dân tộc đã quyết liệt phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Ngày 19/6/2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Niềm mong mỏi, kỳ vọng của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, của gần 14,2 triệu đồng bào DTTS trên cả nước về một giải pháp đột phá để phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi nay đã thành hiện thực.

 Đồng chí Hầu A Lềnh trò chuyện với các em học sinh Trường THPT dân tộc nội trú tại Nghệ An (năm 2019).
Đồng chí Hầu A Lềnh trò chuyện với các em học sinh Trường THPT dân tộc nội trú tại Nghệ An (năm 2019).

Quyết tâm thực hiện giải pháp đột phá ngay trong năm 2021

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14, có rất nhiều nhiệm vụ được đặt ra. Trong đó, trọng tâm là cụ thể hoá thành các văn bản pháp luật, các quyết định về cơ chế chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai Nghị quyết. Việc ban hành cơ chế, chính sách của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết là một việc làm hết sức khẩn trương và phải hoàn thành ngay trong năm 2021.

Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì để ban hành nhiều quyết định, thông tư hướng dẫn cho các địa phương thực hiện Nghị quyết này. Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc cũng phối hợp với các bộ, ban, ngành như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước và một số các bộ, ngành khác để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách phân bổ nguồn vốn, nguyên tắc phân bổ, phân cấp quản lý, phân cấp về triển khai. Đây là cơ sở quan trọng cho việc triển khai các mục tiêu trong những năm tới.

Điều quan trọng nữa là công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động đồng bào các DTTS, các tầng lớp Nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, mục tiêu của Chương trình. Để Chương trình thực sự đi vào cuộc sống, người dân phải nắm rất chắc. Để đạt được mục tiêu này thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của Cơ quan công tác dân tộc các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai cần xác định những nhiệm vụ cụ thể ở các địa bàn, các địa phương. Trách nhiệm của các địa phương là phải rà soát kỹ càng về các đối tượng và địa bàn. Để phân định các thôn, xã hay huyện khó khăn, rất cần có một chính sách hết sức chính xác và khách quan.

Một vấn đề cũng cần lưu ý là xác định các danh mục công việc trên cơ sở 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Các lĩnh vực phải xác định từng vấn đề hết sức cụ thể, phải song song với việc đề xuất các danh mục, để trình Hội đồng thẩm định quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ, từ đó trình ra Quốc hội để bố trí nguồn lực ngay trong tháng 7/2021.

Vì thế, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung hoàn thiện và xây dựng các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đầu tiên phải xây dựng báo cáo khả thi để trình ra Quốc hội vào tháng 7/2021. Từ Nghị quyết của Quốc hội sẽ là cơ sở để Chính phủ phân bổ nguồn lực thực hiện.

Đồng thời sẽ gấp rút xây dựng các quyết định về cơ chế, chính sách; trong đó, trọng tâm là quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí để phân bổ ngân sách và phân cấp ngân sách; chuẩn bị các danh mục công trình theo quy định của Luật Đầu tư công và đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng các thông tư hướng dẫn thống nhất trên địa bàn toàn quốc để các địa phương có cơ sở thực hiện...

Đó là các trọng tâm ưu tiên, tập trung vào giai đoạn này. Ủy ban Dân tộc đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ theo đúng tiến độ thời gian Chính phủ đã đề ra; quyết tâm bắt tay thực hiện giải pháp đột phá ngay trong năm 2021.

Trích nguồn Báo Dân tộc