Tin nổi bật

Tạo việc làm - Giải pháp hiệu quả để tập hợp thanh niên
Ngày đăng 09/12/2019 | 09:15  | View count: 76300

Thanh niên DTTS không có việc làm nên phải đi làm ăn xa đã khiến việc tập hợp thanh niên gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Vậy đâu là hướng đi và cần có những giải pháp gì để tổ chức đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp, đồng hành cùng thanh niên DTTS?

 

Cần quan tâm hỗ trợ giải quyết việc làm để tập hợp thanh niên, định hướng thanh niên hành động. (Ảnh minh họa)

Cần quan tâm hỗ trợ giải quyết việc làm để tập hợp thanh niên, định hướng thanh niên hành động. (Ảnh minh họa)

Nhiều hệ lụy

Một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay nhiều xã miền núi rất vắng thanh niên. Do không có việc làm nên xu hướng rời quê, đi làm ăn xa rất phổ biến. Vì thế, tổ chức đoàn thanh niên cơ sở đang rơi vào cảnh "hữu danh vô thực".

Đoàn xã Tam Đình, huyện Tương Dương (Nghệ An) là một dẫn chứng. Đoàn xã có 7 chi đoàn, với khoảng 200 đoàn viên, thanh niên. Nhưng đó chỉ là trên danh sách; còn thực tế chỉ có khoảng 20% đoàn viên, thanh niên có mặt tại địa phương; một số thanh niên đã lập gia đình nên cũng xem như "trưởng thành Đoàn".

Theo ông Ngân Văn Nội, Bí thư Đoàn xã Tam Đình, vắng đoàn viên, thanh niên nên các chi đoàn rất khó sinh hoạt; một số chi đoàn chỉ hoạt động vào dịp Tết khi thanh niên đi làm ăn xa về quê. Hoạt động của các chi đoàn cũng chủ yếu xoay quanh các phần việc bề nổi, như: Vệ sinh môi trường, xây dựng công trình nhỏ, giao lưu văn hóa, văn nghệ…

Đây cũng là tình trạng ở nhiều tổ chức đoàn xã miền núi khác. Thanh niên đi làm ăn xa khiến cho hoạt động Đoàn không có phong trào, công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự, huy động lực lượng tại chỗ cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều địa phương không có nguồn bồi dưỡng kết nạp Đảng.

Ông Lô Đặng Thắng, Bí thư Chi bộ bản Tân Hòa, xã Môn Sơn, Con Cuông (Nghệ An) cho biết: Quanh năm suốt tháng bản vắng bóng thanh niên, chỉ có Tết thì mới đông đủ. Nhưng ra Tết ít hôm là thôn bản trở lại vắng lặng.

Tạo đột phá để tiếp sức

Để tổ chức đoàn cơ sở không "hữu danh vô thực", điều kiện đầu tiên là phải "giữ chân" được thanh niên không "ly hương". Và giải pháp quan trọng nhất là phải hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp.

Theo thống kê của Trung ương Đoàn, giai đoạn 2010 - 2019, đã có hơn 2 triệu đoàn viên, thanh niên được vay vốn để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, đi học. Tính đến hết tháng 6/2019, dư nợ của Đoàn Thanh niên qua Chương trình ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 26.587 tỷ đồng; vốn vay qua kênh Trung ương Đoàn là trên 75 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2.511 đoàn viên, thanh niên.

Để có việc làm, "ly hương" là con đường được rất nhiều thanh niên lựa chọn. Việc thanh niên "ly hương" đã dẫn đến hệ quả tất yếu là tổ chức Đoàn cơ sở ngày càng "hữu danh vô thực".

Điều này cho thấy, trong quá trình hướng nghiệp và đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, cần phải có giải pháp tháo gỡ. Để không "ly hương", thanh niên không những có nhu cầu được hỗ trợ về mặt chuyển giao khoa học - kỹ thuật mà các mô hình lập thân, lập nghiệp của thanh niên cần được "nâng bước" từ nguồn vốn của tổ chức đoàn. Theo đánh giá, hiện nguồn vốn hỗ trợ thanh niên mới chỉ đáp ứng 30 - 35% nhu cầu vốn để tạo việc làm.

Để thanh niên lập nghiệp thì cấp ủy, chính quyền không thể đứng ngoài cuộc. Việc quan tâm hỗ trợ kinh phí, ưu tiên tìm việc cho thanh niên; tin tưởng giao thanh niên đảm nhận các công trình; dành quỹ đất cho thanh niên vừa sản xuất gây quỹ, vừa thực hành, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật... là những giải pháp hữu hiệu để "giữ chân" thanh niên không "ly hương"; từ đó tập hợp thanh niên, định hướng thanh niên hành động.

 trích nguồn: http://baodantoc.com.vn/