Văn hóa xã hội

Giải pháp nào cho vấn nạn học sinh DTTS bỏ học?
Ngày đăng 04/02/2020 | 16:18  | View count: 202816

Tình trạng học sinh DTTS cấp THCS bỏ học đang là bài toán nan giải ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Mặc dù chính quyền địa phương và nhà trường đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, song nhiều em vẫn không quay trở lại trường học.

Bài 1: Thực trạng nan giải

Thực tế hiện nay ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, mặc dù giáo dục THCS đã đạt phổ cập. Tuy nhiên, ở vùng DTTS và miền núi tình trạng học sinh nói chung, học sinh DTTS cấp THCS bỏ học vẫn còn tồn tại. 

Theo báo cáo của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, trong giai đoạn năm 2016 - 2019, tỷ lệ học sinh THCS người DTTS bỏ học đã giảm dần, từ 1,48% năm 2016 xuống 1,13% năm 2019. Tuy đã giảm nhưng mỗi năm vẫn có hàng nghìn học sinh DTTS cấp THCS trên cả nước bỏ học. Giữa các vùng miền, tỷ lệ học sinh bỏ học khác nhau: Trung du và miền núi phía Bắc tỷ lệ bỏ học thấp (thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước); Tây Nam bộ và Tây Nguyên tỷ lệ bỏ học cao (cao hơn tỷ lệ chung của cả nước). Tất cả các dân tộc đều có học sinh bỏ học và tỷ lệ bỏ học khác nhau giữa các dân tộc. Thông tin từ báo cáo của 32 tỉnh vùng DTTS và miền núi cho thấy, hầu hết các DTTS đều có học sinh bỏ học. Song tỷ lệ học sinh bỏ học cao (với số lượng trên 10 học sinh/năm) tập trung nhiều vào các dân tộc như: Mông, Dao, Xơ-đăng, Ê-đê, Chăm, Khmer… 

Kết quả khảo sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về nguyên nhân học sinh DTTS cấp THCS bỏ học cho thấy, đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thì cho rằng, các nguyên nhân, như: Hoàn cảnh gia đình khó khăn (45,5%); do động cơ ý thức vươn lên trong học tập; ở nhà lấy vợ, lấy chồng; bỏ học đi học nghề, làm công nhân; do đi lại khó khăn, do sức khỏe, tác động xã hội… Trong khi khảo sát đối với học sinh DTTS thì ngoài những nguyên nhân trên, còn có thêm những nguyên nhân khác như: Do không thích đi học, do ham chơi nên nghỉ học, do học kém nên bỏ học, bỏ học theo bạn bè, bị bắt nạt khi đi học, do giáo viên thiếu thân thiện…

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến, học sinh DTTS bỏ học còn do nguyên nhân là lúc đầu các em đi học được hưởng chế độ vì đang cư trú ở vùng ĐBKK, nhưng đang học giữa chừng, địa bàn của mình thoát khỏi vùng ĐBKK nên không được hưởng chế độ nữa nên bỏ học. 

Có thể thấy, tình trạng học sinh bỏ học nói chung, học sinh DTTS bỏ học nói riêng dẫn đến rất nhiều hệ lụy, các em thiếu kiến thức... dẫn đến các hành vi lệch lạc, không đúng chuẩn mực, dễ sa vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, nghiện hút... Ngoài ra, các em không có điều kiện tham gia vào các công việc đòi hỏi kỹ thuật cao mà chỉ làm các công việc lao động chân tay đơn giản, hiệu quả và thu nhập thấp… Do đó, con đường tương lai của các em gặp nhiều khó khăn…

Tại Hội thảo tham vấn, góp ý Báo cáo "Tình hình bỏ học của học sinh DTTS cấp THCS giai đoạn 2016 - 2019" do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức tháng 1/2020, đại biểu đến từ các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định, học sinh DTTS bỏ học vẫn đang là vấn đề nan giải, trong các nguyên nhân đã được chỉ ra thì còn có nguyên nhân tuyên truyền, vận động nhiều nơi chưa tốt; vai trò định hướng, giáo dục, sự quan tâm của gia đình, nhà trường cần được phát huy hơn nữa. Để thực hiện có hiệu quả cần phải đánh giá kỹ nguyên nhân, tìm ra giải pháp thấu đáo để giải quyết tình trạng này. 

Cần tìm giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng học sinh DTTS bỏ học

Cần tìm giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng học sinh DTTS bỏ học

Bài 2: Hy vọng từ Đề án Tổng thể

Theo kết quả điều tra, cả nước có hơn 300.000 thanh niên nông thôn thiếu việc làm, trong đó tỷ lệ ở khu vực đồng bào DTTS cao gấp 3,3 lần mức chung của cả nước. Một trong những nguyên nhân của tình trạng thất nghiệp trong thanh niên DTTS là do việc bỏ học từ ngay trên ghế nhà trường, dẫn đến thiếu kỹ năng, kiến thức, định hướng tương lai mờ mịt.

Thời gian qua, để hạn chế tình trạng bỏ học của học sinh nói chung, học sinh DTTS nói riêng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh cùng có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục học sinh. Ngành Giáo dục đã tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát, nghiên cứu thực trạng, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn phù hợp với đặc thù vùng, miền, kinh tế, văn hóa của từng địa phương, cơ sở giáo dục…

Tại Hội thảo tham vấn báo cáo "Tình trạng bỏ học của trẻ em DTTS cấp THCS giai đoạn 2016 - 2019" do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức tháng 1/2020, các chuyên gia khuyến nghị nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này, như: Đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động; đổi mới phương pháp dạy học; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương trong việc quan tâm, chăm sóc, giáo dục học sinh; làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh…

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu đánh giá, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục vùng DTTS và miền núi, tuy nhiên ông Giàng A Chu cho rằng, tình hình học sinh DTTS cấp THCS bỏ học vẫn còn là vấn đề nan giải, đáng được quan tâm.

Để hạn chế tình trạng học sinh DTTS cấp THCS bỏ học, ông Giàng A Chu cho rằng, cần thực hiện tốt tiểu dự án về giáo dục nằm trong Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Quốc hội thông qua. Các chính sách giáo dục vùng DTTS và miền núi thời gian tới phải đổi mới. Tập trung rà soát lại mạng lưới, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học, tăng cường thêm trách nhiệm của các nhà trường. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh DTTS…

Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học THCS trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS… Một trong những giải pháp đặt ra của Đề án, trong đó có phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện tốt mục tiêu đặt ra của Đề án sẽ góp phần hạn chế tình trạng học sinh DTTS bỏ học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS.

Có thể thấy rằng, để giải quyết tình trạng học sinh DTTS bỏ học cần sự vào cuộc của hệ thống chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội. Rất cần sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục, chăm sóc học sinh DTTS để cùng xây dựng môi trường học tập tốt, thân thiện, an toàn cho các em…

trích nguồn: http://baodantoc.vn/