Văn hóa xã hội

Bắn nỏ - từ vũ khí trở thành môn thể thao dân tộc
Ngày đăng 03/04/2020 | 14:51  | View count: 166015

Đồng bào M'nông chế tạo nhiều loại nỏ khác nhau, tùy theo sức khỏe của người sử dụng. Những chiếc nỏ nhỏ dùng cho người sức yếu và săn bắt một số loài thú nhỏ; còn những chiếc nỏ lớn tầm một sải tay thì dành cho người có sức khỏe và có kinh nghiệm săn bắn các loài thú lớn hơn.

Chiếc nỏ cấu tạo gồm các bộ phận chính: Thân nỏ, lẫy nỏ, cánh nỏ và dây nỏ, cùng với đó là mũi tên, ống đựng tên. Thân nỏ được làm từ lõi của những cây gỗ tốt như hương, cà te, căm xe, pơ mu… bởi những loại cây này ít bị mục, mối mọt và có tính đàn hồi, độ bền cao trong quá trình sử dụng. Để tạo độ chính xác, phần đầu thân nỏ được xẻ một rãnh kéo dài tới lẫy nỏ để làm đường ngắm. Cánh nỏ là bộ phận chịu lực đòi hỏi tính đàn hồi cao, thường được chế tạo từ cây dừa rừng (hoặc tre già), mỗi đầu cánh nỏ tạo một mấu gờ để cài dây nỏ vào khi sử dụng.

Các vận động viên thi bắn nỏ tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XI, khu vực 2 năm 2019 tại Đắk Nông. Ảnh: Mỹ Hằng

Dây nỏ dùng để kéo mũi tên bắn về phía mục tiêu nên thường được làm từ những loại vỏ cây rừng có độ bền, độ dẻo dai để kéo không bị đứt. Vỏ cây sau khi được tước về phải trải qua các công đoạn như đập dập, mang ngâm nước lấy phần sợi trắng, se những sợi đó lại với nhau cho dây săn lại rồi cài vào hai đầu cánh nỏ, những người có kinh nghiệm mới làm được.

Lẫy nỏ là một bộ phận nhỏ được đặt ở phần giữa thân nỏ và làm bằng loại gỗ tốt có tác dụng kìm giữ dây nỏ trước khi bắn mũi tên về phía mục tiêu.

Mũi tên được làm bằng loại tre già tạo ra tính sát thương cao. Trong quá trình chế tạo, ngoài tính thẩm mỹ, người chế tạo đặc biệt quan tâm tới tính cân bằng của cánh nỏ để khi lắp mũi tên bắn vào mục tiêu không bị chệch hướng. Thường thì mỗi chiếc nỏ phải mất thời gian dài mới hoàn thiện.

Người M'nông trước đây không chỉ dùng nỏ để săn bắn mà còn để đánh đuổi kẻ thù, quân xâm lược. Theo Bảo tàng tỉnh, qua nghiên cứu, trong cuộc khởi nghĩa do N'Trang Lơng lãnh đạo (1912 - 1936) chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với giáo, dao, rựa, nghĩa quân dùng nỏ để đánh kẻ thù. Bản thân thủ lĩnh N'Trang Lơng thường đeo nỏ sau lưng, tay cầm giáo dài. Loại vũ khí có tính sát thương cao này từng gây khiếp đảm cho quân Pháp.   

Ngày nay, chiếc nỏ không còn sử dụng để săn bắn thú rừng nữa, nên nhiều gia đình không còn lưu giữ và người biết chế tạo cũng ít dần. Chỉ đến khi bắn nỏ trở thành môn thể thao dân tộc thì các nghệ nhân chế tạo nỏ mới làm "sống lại" một loại vũ khí tự hào của cha ông.

Theo ông Trần Văn Tịnh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT, kể từ năm 2007, môn bắn nỏ đã được chọn là 1 trong 4 môn thể thao dân tộc của tỉnh. Qua các hội thi đã phát hiện ra nhiều vận động viên có tài năng tham gia các đại hội thể thao dân tộc toàn quốc, khu vực; trong đó có nhiều vận động viên đã đạt được thành tích cao. Môn bắn nỏ dành cho cả nam và nữ với 2 nội dung đứng bắn và quỳ bắn, khoảng cách từ 20 đến 30 m. Đặc biệt nỏ và tên tham gia thi đấu phải theo đúng hình dáng truyền thống của dân tộc, không được làm biến dạng như có báng, tỳ vai, tay cầm và hệ thống ngắm, không có gờ tạo độ bám tại thân nỏ, đuôi nỏ…

Trích nguồn: Báo Đăk Nông