Kinh tế chính trị

Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV: Cần bố trí đủ nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
Ngày đăng 23/11/2021 | 10:19  | View count: 39643

Đó là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022. Báo Dân tộc và Phát triển lược ghi ý kiến của một số đại biểu xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Cao Thị Xuân

Đại biểu Cao Thị Xuân, Đoàn Thanh Hóa: Cần bố trí đủ nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

Ngay trước thời điểm khai mạc Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1719 phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 1, từ năm 2021 - 2025. Chúng tôi đề nghị trong nghị quyết hằng năm của Quốc hội cần nêu rõ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm bảo đảm nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kế hoạch của chương trình rất quan trọng, có ý nghĩa về chính trị, KT-XH, an ninh quốc gia. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành các văn bản pháp lý làm cơ sở để kịp thời tổ chức thực hiện Chương trình.

Những vấn đề đặt ra đối với vùng DTTS và miền núi hiện nay mang tính cấp bách, bởi khó khăn từ tác động của đại dịch vừa qua là rất lớn. Sở dĩ chúng tôi đề nghị phải ghi rõ trách nhiệm, bố trí đủ nguồn lực cũng như trách nhiệm triển khai thực hiện của các bộ, ngành là bởi chúng ta đã có tiền lệ thực hiện chưa tốt một số chương trình, chính sách quan trọng đối với vùng DTTS và miền núi.

Những chính sách có mục tiêu, ý nghĩa tốt đẹp được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ dành cho đồng bào chỉ có thể đạt được mục đích phát huy được hiệu quả khi đáp ứng đủ nguồn vốn triển khai kịp thời chống được thất thoát, lãng phí tiêu cực. Đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, nhưng chúng ta không thể nợ lâu hơn nữa chương trình mục tiêu này.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo, Đoàn Thái Nguyên: Cần lựa chọn những dự án cấp bách để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, với 10 dự án thành phần, nhu cầu đầu tư rất lớn. Cần lựa chọn những dự án cấp bách để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm như dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Cần quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng Trung du và miền núi phía Bắc, trong đó ưu tiên hàng đầu các công trình có tính lan tỏa. Kết nối mảng giao thông khu vực với các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, phải coi đây là một trong những giải pháp quan trọng, hàng đầu để thúc đẩy phát triển KT-XH của cả vùng.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn Lạng Sơn: Bổ sung chỉ tiêu phát triển KT-XH đặc thù liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, đời sống vật chất, tinh thần, y tế, giáo dục của đồng bào còn rất nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước. Với mong muốn đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục được quan tâm nhiều hơn, tôi đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung nhóm chính sách, giải pháp riêng đặc thù liên quan trực tiếp đến vùng đồng bào DTTS và miền núi trong kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 cũng như trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Xem xét bổ sung chỉ tiêu riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trong một số chỉ tiêu chung của 16 chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2022, như chỉ tiêu về giảm nghèo, chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo, chỉ tiêu về tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, chỉ tiêu về tỷ lệ bác sĩ, giường bệnh/1 vạn dân, đồng thời có giải pháp cụ thể cho việc đạt được các chỉ tiêu bổ sung.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn Hòa Bình: Cần tạo điều kiện hỗ trợ đồng bào DTTS vươn lên trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Chương trình  Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là cơ hội giúp cho các tỉnh còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa vươn lên, có vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, các thủ tục hành chính liên quan đến Chương trình chưa được thực hiện xong, nên chưa giải ngân được vốn. Tôi mong Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm triển khai các thủ tục hành chính có liên quan đến Chương trình Mục tiêu quốc gia, để từ có các tỉnh có kế hoạch, phương án cụ thể thực hiện các chủ trương; tạo điều kiện để hỗ trợ đồng bào DTTS vùng sâu vùng xa, vươn lên trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đây cũng là mong muốn của cử tri và các tỉnh miền núi.

Tôi nghĩ rằng, thông qua Chương trình mục tiêu giảm nghèo sẽ sớm đạt đươc, sẽ có nhiều mô hình, dự án được hỗ trợ, nhiều dự án được kết nối, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, từ đó, đời sống của bà con DTTS được phát triển tốt hơn, là cơ hội, là điều kiện để các tỉnh phát triển và hội nhập kinh tế.

Đại biểu Bế Trung Anh, Đoàn Trà Vinh: Chương trình MTQG cần đến với đồng bào DTTS nhanh nhất

Vùng DTTS là vùng rất đặc biệt, còn nhiều khó khăn, với Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tôi đặt rất nhiều kỳ vọng. Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG cần sớm có các hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả bởi bản chất của Chương trình MTQG khác hẳn với các Chương trình phát triển KT-XH trước đây như 134, 135. Chương trình MTQG được thực hiện theo chuỗi với mục tiêu lớn. Vì vậy, Chương trình cần sự hướng dẫn trọng tâm, tập trung, thống nhất từ Trung ương.

Tôi đề nghị các bộ, ngành, theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của mình sớm có kế hoạch triển khai thí điểm Chương trình MTQG. Phải có đơn vị tiến hành mẫu, bảo đảm tính đặc thù, bảo đảm thuận lợi trong quá trình triển khai, làm sao để các dự án hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG đến với đồng bào DTTS nhanh nhất vì đồng bào đang rất mong chờ.

Trích nguồn Báo Dân tộc