Hoạt động ban

Kết quả sau 05 năm thực hiện chính chính sách hỗ trợ lãi suất đối với hộ gia đình đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Ngày đăng 12/08/2020 | 08:45  | View count: 260108

Thực hiện Nghị quyết số 43/2014/NQ-HĐND ngày 18/12/2014 của HĐND tỉnh Đắk Nông về chính sách hỗ trợ lãi suất đối với hộ gia đình đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2015- 2020, kết quả sau gần 05 năm triển khai thực hiện, đến nay đã hỗ trợ lãi suất cho 3.814 hộ vay vốn tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triên nông nghiệp và các dịch vụ nông nghiệp nông thôn với tổng kinh phí hơn 18,73 tỷ đồng.

Cùng với việc thực hiện các chính sách của Trung ương, chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển nông nghiệp và các dịch vụ nông nghiệp nông thôn là một trong những chính sách đặc thù của tỉnh Đắk Nông. Thông qua việc thực hiện chính sách hỗ trợ 40% lãi suất đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại. Sau khi được hỗ trợ lãi suất thì lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại tương đương với lãi suất vay vốn sản xuất kinh doanh vay tại ngân hàng chính sách xã hội.Từ đó các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn, chủ động hơn trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay hiệu quả vào phát triển sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở hồ sơ vay vốn theo cơ chế cho vay hiện hành tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh và biên lai thu tiền lãi, trong thời gian 05 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ thủ tục, phòng Dân tộc tham mưu UBND các huyện, thành phố quyết định chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ với tổng số tiền vay được hỗ trợ lãi suất trong hợp đồng tín dụng tối đa là 300 triệu đồng/hộ gia đình/năm, mức hỗ trợ lãi suất bằng 40% số tiền lãi suất và không quá 10 triệu đồng/hộ gia đình/năm.

Sau 05 năm thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất trên địa bàn tỉnh, trong đó, huyện Đắk Glong và huyện Tuy Đức có số hộ và kinh phí thực hiện nhiều nhất, đã hỗ trợ cho 2.430 lượt hộ với kinh phí là gần 13 tỷ đồng, chiếm 63,7% về số hộ và 69% về kinh phí so với toàn tỉnh.Các hộ vay vốn tại các ngân hàng thương mại được hỗ trợ lãi suất đã sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, trả nợ vay đúng hạn, tập trung vào phát triển các mô hình trồng trọt, chăm nuôi và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp tại địa phương tạo điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động tại địa phương. Điển hình có hộ ông K'Soàn, thôn 9, xã Quảng Khê; hộ ông K'Ndak, bon Bu Sir, xã Quảng Sơn; hộ ông K'Phim, bon Păng So, xã Đăk Som, hộ ông K' Sớ, thôn 9, xã QuảngKhê, huyện Đắk Glong; hộ bà Thị Bưl, bon Ja Lú A, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức,.v.v..đã vay vốn từ 200 đến 600 triệu đồng, thời gian vay vốn từ 03 đến 5 năm đầu tư các mô hình phát triển kinh tế như trồng cà phê, cây ăn quả, dâu tằm, chăn nuôi, sản xuất giống cây trồng,,…đã mang lại thu nhập bình quân hàng năm mỗi hộ từ 300 triệu đồng trở lên.

Đoàn công tác Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông khảo sát thực hiện chính sách dân tộc tại gia đìnhông Điểu Khơi, xã Đắk R'Tih, Huyện Tuy Đức.

 

Cùng với việc triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chương trình, chính sách của Trung ương và của tỉnh Đắk Nông đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các ngân hàng thương mại đã góp nâng cao đời sống, phát triền kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng và giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh chỉ còn 31,59%, giảm 22,2% so với kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 (53,79%).

Mặc dù tỉnh Đắk Nông còn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung, tuy nhiên, bằng việc ban hành các chính sách đặc thù riêng của tỉnh, trong đó, có chính sách hỗ trợ lãi suất và bảo đảm nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện trong những năm qua đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vốn có nhiều khó khăn nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thể hiển sinh động trong thực tiễn thực hiện nguyên tắc của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc: "bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển".

Từ những hiệu quả thiết thực của chính sách hỗ trợ lãi suất đem lại được xem là cơ chế, chính sách và là hướng đi mới trong việc huy động các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hoàng Thị Thảo