Khen thưởng xử phạt
Khâm phục ý chí giành độc lập tự do của các sĩ phu, với một hoài bão cứu nước cứu dân mãnh liệt, bản lĩnh và sự mẫn cảm chính trị ở tuổi 21 của một tầm nhìn xa, không cầu viện, ỷ lại, không ngồi chờ người khác đến cứu mình, cách đây 110 năm, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12-1920.
Nhận ra sự bất lực và thất bại của hệ ý thức phong kiến và hệ ý thức tư sản, quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành cho thấy một tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong việc xác định hướng đi, cách đi, mục đích đi và nơi đến. Anh tự quyết định con đường đi của mình, là "Tây du" mà không "Đông du", đến tận ngọn nguồn của chủ nghĩa đế quốc Pháp, sang đất nước đang có những kẻ đến áp bức đồng bào mình, để khám phá các nền văn minh.
Trạc mười ba tuổi, khi còn trên ghế trường tiểu học Pháp - bản xứ, lần đầu tiên, Nguyễn Tất Thành biết đến ba từ đẹp đẽ: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Nhưng ngay lúc bấy giờ, anh đã có sự hoài nghi, vì trên thực tế, không thấy tự do, bình đẳng, bác ái, mà chỉ thấy sự áp bức, bóc lột, đồng bào đau khổ, chết chóc dưới gót giày, họng súng và lưỡi lê của bọn thực dân. Sự hoài nghi ở tuổi trẻ thích tìm tòi, khám phá đã mang lại nhiều điều bổ ích. Việc "muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy" là nguồn động lực mạnh mẽ thôi thúc Nguyễn Tất Thành phải ra nước ngoài, xem các nước làm thế nào, rồi trở về giúp đồng bào.
Hai sự kiện rất đáng được quan tâm ở thời khắc Nguyễn Tất Thành quyết định con đường đi của mình. Một là, tác giả Trần Dân Tiên cho biết, Nguyễn Tất Thành nhận ra cách làm của Phan Châu Trinh là xin giặc rủ lòng thương; cách làm của Phan Bội Châu là "đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau"; cách làm của Hoàng Hoa Thám thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp, nhưng còn nặng cốt cách phong kiến. Trần Dân Tiên cũng cho biết, cụ Phan Bội Châu muốn đưa Nguyễn Tất Thành và một số thanh niên sang Nhật, nhưng Nguyễn Tất Thành không đi. Anh thấy rõ và quyết định con đường nên đi. Hai là, như Hồ Chí Minh sau này đã trả lời một nhà văn Mỹ rằng, "Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi lúc này thường tự hỏi nhau rằng, ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật. Người khác nghĩ là Anh. Có người khác nữa nghĩ là Mỹ. Tôi thì thấy phải đi ra nước ngoài để xem cho rõ".
Ý thức rõ ràng, dứt khoát ngay từ đầu về mục đích ra nước ngoài của mình đã giúp Nguyễn Tất Thành có cách đi và cách làm đặc biệt. Từng là một thầy giáo, con quan Phó bảng, nhưng Anh chọn nghề lao động chân tay để kiếm sống và học tập. Chúng ta có thể hiểu được rằng, đây là một lựa chọn có chủ đích để có điều kiện hòa mình vào phong trào công nhân và các dân tộc bị áp bức; để hiểu được đằng sau những chữ Pháp tự do, bình đẳng, bác ái là gì; hiểu được hai từ "văn minh" mà như nhà báo Liên Xô Ôxíp Man đenxtam thuật lại thì Nguyễn Ái Quốc đã nói đến hai từ "văn minh" một cách đầy khinh bỉ. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc có được những bài báo sắc sảo như "Tâm địa thực dân", "Phong trào cách mạng ở Ấn Độ", "Hành hình kiểu Linsơ", "Công cuộc khai hóa giết người"... Sau này, khi trả lời phỏng vấn của Tạp chí Thanh niên (Ca-na-đa) về việc làm và cảm tưởng của Người thời gian ở Mỹ, Người trả lời: "Tôi làm thuê trên tàu thủy để đi xem các nước và để sang Mỹ. Tôi có làm thuê ở Niu Oóc ít lâu. Lúc đó, cảm tưởng của tôi về Mỹ đại khái như sau: Nhân dân Mỹ rất thông minh... ở Mỹ có một số người rất giàu có, họ sống cực kỳ xa hoa như những người ở phố thứ 5 (Fifth Avenue). Và có rất đông người lao động rất cực khổ, nhất là người Mỹ da đen ở khu Héclem. Điều đó làm cho tôi nghĩ rằng: Pho tượng Thần Tự Do đứng ở cảng Niu Oóc tuy bên ngoài rất đồ sộ, cao to, nhưng bên trong thì rỗng tuếch!" (Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.14, tr.700).
Nguyễn Tất Thành là số ít trong các nhà lãnh đạo cách mạng các nước thuộc địa lúc bấy giờ sớm phát hiện ra tầm vóc và ý nghĩa "vạch thời đại" của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Lê-nin, Nguyễn Tất Thành thuộc dòng tinh thần của những nhân vật hiếm thấy đại diện cho tinh hoa thế giới, những con người mà ngay từ đầu đã kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc chân chính, khát vọng giải phóng đồng bào mình với đoàn kết và giải phóng các dân tộc thuộc địa. Vì vậy, sự gặp gỡ giữa tư tưởng của Người với tư tưởng của Lê-nin như là một cuộc "hẹn hò lịch sử", cuộc gặp của hai trái tim yêu nước vĩ đại muốn giải phóng đồng bào mình, lại muốn giải phóng các dân tộc bị áp bức và Nhân dân lao động toàn thế giới. Điều đó cắt nghĩa vì sao Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin làm cho Nguyễn Ái Quốc vui mừng, cảm động đến phát khóc lên, vì đó là cái cần thiết cho chúng ta, con đường giải phóng chúng ta: Giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.
Cuộc hành trình mười năm "tìm đường" (1911-1920) đã giúp Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc tìm thấy ánh sáng khoa học, chân lý cách mạng của thời đại là chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Theo Người, chỉ có chủ nghĩa Mác - Lê-nin là chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất. Đúc kết cuộc hành trình đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lê-nin, vừa hoạt động thực tiễn, Người hiểu được rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Như vậy, ngay từ năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin là vũ khí không gì thay thế được giúp đồng bào ta thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc.
Mười năm tiếp theo trong hành trình "mở đường" (1921-1930), Nguyễn Ái Quốc dồn trí lực đưa chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào phong trào cách mạng Việt Nam, chuẩn bị các yếu tố chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức để thành lập một đảng cộng sản ở Việt Nam. Đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang đó, thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự kiện Đảng ta ra đời đầu năm 1930 là một bước ngoặt vĩ đại của cách mạng nước ta, chứng tỏ giai cấp vô sản Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Đảng ta ra đời cũng chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về giai cấp và đường lối lãnh đạo cách mạng kéo dài mấy chục năm. Từ đây, Đảng chủ trương tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nói ngắn gọn, đó là đường lối độc lập dân tộc đi tới và gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời gắn liền với tên tuổi và công lao to lớn của Nguyễn Ái Quốc.
Từ năm 1930, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thực hiện cuộc hành trình "dẫn đường" (1930-1945). Người cùng với Đảng ta lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống áp bức, bóc lột của thực dân - phong kiến; đấu tranh đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc về nước cùng Đảng ta tổ chức Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), quyết định "thay đổi chiến lược". Theo sáng kiến của Người, Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) ra đời, một tổ chức mặt trận có tinh thần dân tộc rất cao, có một chương trình rõ rệt, đầy đủ, thiết thực, hợp nguyện vọng các giới đồng bào, đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong Nhân dân. Do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Đảng và sức đoàn kết hăng hái của toàn dân trong và ngoài Mặt trận Việt Minh, Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi. Hồ Chí Minh chỉ rõ lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc.
Như vậy, với cuộc hành trình "tìm đường", "mở đường","dẫn đường" thực hiện khát vọng giải phóng và phát triển, Hồ Chí Minh đã cùng Đảng ta lãnh đạo toàn dân phá tan được chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm, đánh đổ ách thống trị của hai đế quốc chủ nghĩa là Pháp và Nhật. Chúng ta đã lập nên một chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đó là một thắng lợi xưa nay chưa từng có trong lịch sử nước ta. Nhân dân từ thân phận nô lệ bước lên địa vị làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Chúng ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới.
Đảng ta chỉ rõ, với những thắng lợi đã đạt được, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Sau 35 năm đổi mới, đến nay đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Đó chính là tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Trích nguồn: Báo Dân tộc