Kiến tạo các trụ cột quan trọng hiện đại hóa
Tích cực quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính để làm phương châm hành động, triển khai đồng bộ và toàn diện Chiến lược phát triển Hải quan, Tổng cục Hải quan đã sớm hoàn thiện bộ chỉ tiêu cải cách, hiện đại hóa về nhiều mặt của toàn ngành như lời cam kết với cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Đồng thời, coi đây là nhiệm vụ, chỉ tiêu pháp lệnh đối với cơ quan Hải quan các cấp trong việc tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công tác, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Chia sẻ về định hướng và giải pháp cải cách hiện đại hóa của ngành Hải quan trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, thời gian gần đây, yêu cầu đặt ra đối với ngành Hải quan cũng như toàn hệ thống chính trị là phải tinh giảm biên chế, bộ máy. Trong bối cảnh đó, khối lượng công việc vẫn tăng lên một cách nhanh chóng qua các năm. Để đảm bảo công tác quản lý mà vẫn tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp thì phải cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý hải quan. Khi đó, việc thực hiện hải quan số, hải quan thông minh và triển khai hệ thống thông quan tập trung là yêu cầu cấp thiết và bắt buộc. Theo Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 đã được phê duyệt, Hải quan Việt Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện công nghệ thời kỳ 4.0, áp dụng hải quan số, hải quan thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý hải quan hiện đại. Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam sẽ cải cách mạnh về tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn. Tổng cục Hải quan sẽ áp dụng mô hình tập trung với số lượng chi cục hải quan đóng tại các cửa khẩu giảm đi nhưng quy trình xử lý công việc sẽ nhanh hơn.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ, Hải quan Việt Nam đã đặt ra một số trụ cột chính để triển khai nhiệm vụ này.
Thứ nhất, về thể chế, ngành Hải quan tiến hành cải cách thủ tục hải quan theo hướng tiếp tục đơn giản, hài hòa hóa các chế độ quản lý hải quan theo chuẩn mực của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), tạo nền tảng để tái thiết kế các quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp các cam kết quốc tế; trọng tâm là xây dựng Luật Hải quan thay thế Luật Hải quan hiện hành, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan; xây dựng mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, Biên giới thông minh, Hải quan xanh; áp dụng đồng bộ phương pháp quản lý theo chuỗi, theo định danh. Đồng thời áp dụng cơ chế quản lý hải quan phù hợp với từng đối tượng, khuyến khích người khai hải quan tuân thủ pháp luật.
Thứ hai, về công cụ, ngành Hải quan phát triển dữ liệu số hải quan tạo nền tảng cho triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định của pháp luật để phát triển hệ sinh thái số và Hải quan số. Trong tiến trình hiện đại hóa hiện nay và thời gian tới, ngành Hải quan sẽ ứng dụng mạnh mẽ thành quả của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, như: kết nối Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata), phân tích thông minh (BI), điện toán đám mây (Cloud), di động (Mobility).
Từ đó, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin của Hải quan Việt Nam có mức độ tích hợp cao, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về an ninh, an toàn thông tin, dễ dàng mở rộng khi có yêu cầu quản lý mới, đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của cơ quan Hải quan; hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ các cấp.
Đặc biệt, thứ ba, liên quan đến yếu tố con người, ngành Hải quan tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ công chức hải quan các cấp có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đủ về số lượng, cơ cấu phù hợp, được tổ chức, quản lý khoa học, gắn với nhu cầu thực tiễn của vị trí việc làm với năng lực của từng cá nhân, đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại. Xây dựng và thực hiện cơ chế tuyển dụng nguồn nhân lực công khai, minh bạch với chế độ đãi ngộ hợp lý đảm bảo thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng và triển khai thực hiện mô hình quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm, các chính sách phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan tập trung, thông minh.
Cùng với đó, việc hợp tác phát triển và phối hợp triển khai các chương trình, giải pháp cần có sự hỗ trợ từ WCO và Hải quan các nước phát triển hướng tới mục tiêu chung của Hải quan toàn cầu...
Ngành Hải quan đã tập trung triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện vào tất cả các mặt công tác nghiệp vụ (Ảnh: PV) |
Quyết tâm thực hiện chuyển đổi số toàn diện
Những năm qua, tỷ lệ tăng trưởng thương mại theo cấp số nhân đã trở thành "áp lực" đối với cơ quan hải quan, đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi số để đáp ứng xử lý lượng công việc lớn.
Bên cạnh đó, với nhiều hiệp định song phương, đa phương Việt Nam đã tham gia, hệ thống thương mại trở nên đa dạng ở rất nhiều quốc gia, hoạt động chuyển đổi số ở ngành Hải quan là cấp thiết để đảm bảo tuân thủ với quy định và tiêu chuẩn được đưa ra bởi các thỏa thuận này, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Hơn thế nữa, chuyển đổi số hải quan còn đảm bảo an ninh thương mại quốc gia bằng cách phát hiện và ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại bất hợp pháp.
Thực tế, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ngành Hải quan đã sớm đạt và vượt các mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020. Cụ thể, giai đoạn 2010 – 2020, Hải quan Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thực hiện hải quan điện tử với điểm nhấn là hoàn thành 5E: E-Declaration (thủ tục hải quan điện tử), E-payment (thanh toán thuế điện tử); E-C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng phương thức điện tử); E-Permit (giấy phép điện tử) và E-Manifest (bản lược khai hàng hóa điện tử). Trong đó, nổi bật là E-Declaration với 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% cục hải quan, chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia.
Cục trưởng Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Lê Đức Thành chia sẻ, cùng với sự phát triển nhanh của kinh tế đất nước, khối lượng công việc của Tổng cục Hải quan đã tăng lên một cách nhanh chóng. Điển hình là kim ngạch xuất nhập khẩu trung bình mỗi năm tăng 23%, số thuế thu được trung bình mỗi năm tăng 9,2%; số lượng tờ khai trung bình mỗi năm tăng 22%. Hiện nay, mỗi năm ngành Hải quan giải quyết khoảng 15 triệu hồ sơ của người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, 5 năm gần đây số lượng cán bộ, công chức hải quan giảm trung bình từ 1,5-1,7%/năm. Nhưng, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, việc làm thủ tục hải quan của doanh nghiệp được diễn ra thuận lợi, liên tục, nhanh chóng…
Về điểm nhấn E-payment, từ năm 2012, cơ quan Hải quan đã kết nối với hệ thống công nghệ thông tin của các ngân hàng thương mại và Kho bạc để thực hiện thanh toán điện tử. Từ năm 2017, ngành Hải quan triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Theo đó, doanh nghiệp có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện khi có kết nối internet; đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác; giảm thời gian nộp thuế, thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan. Đến nay có 47 ngân hàng thương mại tham gia chương trình thu nộp thuế 24/7, số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt 98,4% tổng số thu của Tổng cục Hải quan...
Ngoài ra, theo ông Lê Đức Thành, ngành Hải quan đã tập trung triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện vào tất cả các mặt công tác nghiệp vụ của Ngành mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về hải quan. Đặc biệt, ngành Hải quan đã áp dụng các công nghệ số trong kiểm tra, giám sát hàng hóa như sử dụng máy soi container, giám sát trực tuyến, sử dụng seal định vị điện tử trong giám sát tự động đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng container... Những kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian qua là động lực để xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu cải cách hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi thương mại, là tiền đề xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh trong thời gian tới.
Hải quan là một trong những ngành tiên phong áp dụng bộ công cụ quản lý hiện đại vào công tác quản lý và công tác tuyên truyền hỗ trợ đối với người dân, doanh nghiệp. Những động thái về chuyển đổi số của cơ quan quản lý nhà nước đã giúp cho người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu trúng để tương tác với cơ quan Hải quan, qua đó thực hiện tốt nghĩa vụ của mình và giải quyết những khúc mắc gặp phải trong sản xuất kinh doanh, cũng như trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, thực hiện nghĩa vụ thuế...
Thực tế, Tổng cục Hải quan đã thành lập bộ máy tổ chức và huy động nguồn lực trong toàn ngành để triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Trong đó, Tổng cục Hải quan đã thành lập Ban Chỉ đạo đạo chuyển đổi số với Trưởng ban là một Phó Tổng cục trưởng, thành viên là các cục trưởng, vụ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục và các cục hải quan tỉnh, thành phố lớn để thống nhất chỉ đạo, điều hành công tác chỉ đạo chuyển đổi số trong toàn ngành. Tại địa phương, 100% cục hải quan tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số. Để thống nhất nhận thức và hành động, Tổng cục Hải quan đã ban hành đầy đủ chương trình, kế hoạch chuyển đổi số trong toàn Ngành. Đó là, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023. Đồng thời, 35 cục hải quan tỉnh, thành phố cũng ban hành kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị.
Về lộ trình triển khai về mặt công nghệ thông tin từ nay đến năm 2030, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ khẳng định, kế hoạch thực hiện dài hạn đã được Tổng cục Hải quan đặt ra cụ thể. Hiện nay, đang tích cực triển khai Dự án số 1 là Hệ thống thông quan tập trung. Mục tiêu của dự án này là đến 2024 sẽ đưa hệ thống này vào thay thế cho Hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/VCIS) đã được sử dụng từ năm 2014.
"Trong giai đoạn tiếp theo và đến năm 2023, chúng tôi sẽ xử lý tất cả các vấn đề nghiệp vụ có liên quan khác để sau này hình thành một hệ thống thông quan tập trung hoàn thiện. Đặc biệt, năm 2024 – năm bản lề quan trọng để thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, Hải quan Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số toàn diện dựa vào ứng dụng dữ liệu lớn, thông minh, trí tuệ nhân tạo… trong tất cả các khâu nghiệp vụ", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ./.
Trong Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu đến năm 2025: 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số (đến năm 2030 phấn đấu chỉ tiêu đạt 100%); 100% hồ sơ về tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh được quản lý dưới dạng dữ liệu số… |
Nguồn: dangcongsan.vn