Thông báo giấy mời
Dân tộc M'nông có nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, giàu tính nhân văn, trong đó không thể không kể đến là tinh thần tương thân tương hỗ, cố kết cộng đồng. Truyền thống này được hình thành từ rất lâu đời, đó là nhân tố quan trọng để cộng đồng tộc người tồn tại và phát triển. Bà con gia tộc trong bon làng, bạn thân kết nghĩa, hàng xóm lân cận đều quan tâm giúp đỡ nhau một cách tự nguyện.
Mọi người trong bon làng cùng thương yêu nhau, cùng chia sẻ ngọt bùi từ vật chất đến tinh thần. Gia đình nào làm ăn khấm khá thì mang tặng lúa, hoa màu cho gia đình thiếu ăn hoặc đang gặp khó khăn. Gia đình thu hoạch được nhiều lúa và hoa màu như bắp, mía, chuối, khoai hoặc có lúc săn bắt được nhiều chim cá, thú rừng thì mang tặng, chia bớt cho những gia đình khác.
Số lượng thực phẩm, hoa màu được tặng thể hiện sự "hào phóng" của chủ nhân của món quà. Nếu tặng chim, cá thì phải có số nhiều, ít nhất phải được một khiau (gùi nhỏ) trở lên, nếu tặng hoa màu thì phải có đến vài gùi lớn, nếu tặng củi phải có đến trên 10 gùi. Gia đình đi tặng mang một lúc không hết phải nhờ bà con hàng xóm mang giúp, chuyển đến tận gia đình được tặng. Gia đình được tặng thường không hay biết trước, quà tặng mang đến một cách bất ngờ làm cho người được tặng không từ chối được.
Khi quà tặng đã mang vào nhà thì gia chủ phải nhận, không được từ chối. Chủ nhà được tặng phải cúng mừng một con gà và một ché rượu để chiêu đãi những người mang quà tặng đến. Về sau, người tặng quà không được tính toán, đòi nợ với người được tặng. Người được cho quà không phải lo lắng, suy nghĩ "của cho là của nợ", muốn trả ngay. Vài năm sau khi nào ăn nên làm ra, có chút dư thì tổ chức tặng đáp lại gia đình đã giúp đỡ, cưu mang mình trước đây. Số đồ vật tặng đáp lại cũng không cần phải bằng ngang giá trị với những món quà được cho và nhận lúc trước, ít hay nhiều tuỳ theo khả năng. Nếu không có của cải để tặng đáp lại, lúc nào gia đình ăn mừng lúa mới thì mời người đã tặng quà cho mình ăn uống một bữa để tỏ lòng biết ơn. Từ ngày tặng của cải cho nhau, hai gia đình thân thiết hơn, có gì vui cũng phải mời nhau, có khó khăn sẵn sàng giúp đỡ nhau. Của cải cho nhau là nghĩa tình, không phải tính toán, trừ khi vay mượn với số lượng lớn thì phải trả dần theo điều kiện của gia đình.
Cụ bà M'nông với công việc hằng ngày
Thịt thú rừng săn được cũng phải ăn chia bớt cho các gia đình, bà con trong bon làng. Nhà nào bẫy được con lợn, con mang, con nai hoặc trâu rừng cũng không được ăn một mình mà chia đều cho bà con trong làng. Họ chỉ để lại cho nhà mình một đùi, hai miếng thịt thăn. Người nào săn được con thú lớn phải báo cho bà con cùng đi lấy. Hộ nào có người trực tiếp tham gia được chia thịt lòng, thịt đầu để ăn tập thể tại gia chủ. Hộ nào không có người đi, chủ phải có trách nhiệm cử người mang thịt cho từng nhà. Tuy nhiên, những con vật nhỏ thì không nhất thiết phải chia cho cả làng. Trường hợp bẫy được con gà rừng, con công hoặc con cheo thì chỉ chia cho bà con trong một gia tộc, bằng cách nấu nướng xong rồi múc ra chia đều cho nhau cùng ăn.
Đồng bào M'nông thường tổ chức đi bắt cá tập thể. Bắt được tôm, cá, họ thường nấu ăn tại chỗ. Số còn lại phải để tập trung chia đều cho những người đi, kể cả trẻ con phải chia cho từng người. Khi chia cá, đồng bào không tính theo từng hộ mà tính theo đầu người. Hộ nào có mấy người đi thì phải được chia mấy phần, đàn bà mang thai được chia hai phần. Ngoài việc chia thịt thú, người M'nông còn chia lúa, hoa màu, lương thực khi giúp nhau trong quá trình chăm sóc hoặc thu hoạch. Người giúp thu hoạch lúa, nếu làm một ngày công chủ nhà phải tặng cho họ từ hai đến ba khiau (gùi đựng lúa nhỏ). Người xin làm công tuốt lúa, chủ nhà phải cho một ngày một gùi lúa. Người giúp làm cỏ rẫy chủ nhà phải tặng bắp hoặc bầu bí.
Việc giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn hay chia sẻ thịt, cá, hoa màu của người M'nông phản ánh nếp sống gắn kết cộng đồng từ thời xa xưa của đồng bào. Đây là phong tục tập quán tốt đẹp được thể hiện rõ qua các lễ hội. Ngày nay, tập tục đó vẫn được đồng bào gìn giữ, nâng cao, trở thành một tiêu chuẩn trong qui ước xây dựng làng bản văn hóa.
Trích nguồn: báo Đăk Nông