Tin nổi bật

Tuyên truyền phòng, chống dịch bằng tiếng mẹ đẻ, bà con dễ nghe, dễ hiểu
Ngày đăng 05/08/2020 | 11:14  | View count: 93850

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành trong cả nước, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh. Tại huyện Đắk Glong đã triển khai tuyên truyền bằng ngôn ngữ của đồng bào và xây dựng tờ rơi hướng dẫn bà con phòng, chống dịch bằng 2 thứ tiếng Việt- Mông.

"Đi từng ngõ, gõ từng nhà"

Xã Đắk Som có hơn 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó các thôn 1, 2, 3, 4 (khu vực Đắk Nang) chủ yếu là đồng bào Mông từ phía Bắc vào định cư và sống rải rác. Dựa trên các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân nắm bắt rõ ràng về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tại mỗi thôn đều thành lập một tổ phòng, chống dịch do trưởng thôn làm tổ trưởng và huy động các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền.

Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà", các thành viên tổ phòng, chống dịch nhắc nhở người dân rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, chỉ xuống chợ phiên khi cần thiết, khai báo y tế trung thực và thực hiện nếp sống sinh hoạt hằng ngày lành mạnh. Các trưởng thôn, người có trách nhiệm đi giải thích và nói rõ mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 để người dân được hiểu. Từ đó, ý thức phòng, chống dịch của bà con được nâng lên phần nào.

Tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng song ngữ Việt- Mông của xã Quảng Sơn, giúp bà con dễ hiểu, dễ nắm bắt

Ông Lý Văn Thìn, Trưởng thôn 1 cho hay: "Bà con người Mông ở đây ít người biết tiếng phổ thông nên việc tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh thì chỉ nghe mập mờ chứ không hiểu rõ. Vì vậy, việc tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiếng mẹ đẻ do chính đồng bào thực hiện nên bà con dễ nghe, dễ hiểu và thực hiện tốt hơn nhiều".

Bà con dễ hiểu, dễ nắm bắt

Còn xã Quảng Sơn, những người đứng đầu thôn, bản phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tích cực tuyên truyền phòng, chống dịch ở các cụm dân cư có người Mông sinh sống. Để hiệu quả hơn nữa, xã tiến hành in ấn tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng 2 thứ tiếng Việt- Mông.

Trên mỗi tờ rơi, ngoài nội dung, hình ảnh về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, xã còn cho in hẳn tên tuổi, số điện thoại di động của những người có trách nhiệm như trưởng trạm y tế xã, trưởng công an xã, cán bộ phụ trách y tế xã để bà con tiện theo dõi, liên lạc khi cần thiết.

Xã còn lưu ý, những trường hợp ra vào địa phương từ vùng có dịch cần phải thông tin, báo cáo kịp thời về UBND xã qua các số điện thoại của những người có trách nhiệm nêu trên.

Ngoài việc tuyên truyền bằng hệ thống loa phát thanh, loa di động, phát tờ rơi, xã còn tăng cường cán bộ hướng dẫn, khuyến cáo người dân tại các điểm nhóm tôn giáo không tổ chức các hoạt động, nghi lễ, sinh hoạt đông người, hạn chế nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Ông Trần Văn Kiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết: "Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường nên địa phương đôn đốc các tổ chức đoàn thể vào cuộc để cùng nhau phòng, chống dịch bệnh. Khi biên soạn các tờ rơi tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng Việt- Mông, chúng tôi tìm người thẩm định nghiêm túc, rồi mới cho in ấn, phát hành đến tận tay người dân. Phải nói rằng, bằng hình ảnh trực quan sinh động, có thêm ngôn ngữ Mông, bà con dễ hiểu, dễ nắm bắt và thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả hơn".

Theo ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, sau khi có công văn chỉ đạo của cấp trên, huyện đã chỉ đạo các địa phương, đoàn thể vào cuộc tuyên truyền dưới nhiều hình thức. Ở các xã như Quảng Hòa, Đắk Som, Đắk R'măng, Quảng Sơn… có số lượng đồng bào Mông đông, dân trí còn thấp nên sự hiểu biết về phòng, chống dịch còn nhiều hạn chế. Vì vậy, các xã chủ động nắm tình hình và tổ chức tuyên truyền bằng tiếng Mông để người dân hiểu và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch Covid-19.

Trích nguồn báo Đăk Nông