Văn hóa xã hội
Nghị định 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc (CTDT) của Chính phủ, Chiến lược CTDT đến năm 2020 theo Quyết định số 449/QĐ-TTg, ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ là hai văn bản quan trọng cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực CTDT. Những kết quả cũng như những tồn tại đã được chỉ ra trong việc thực hiện CTDT là cơ sở để đặt ra mục tiêu của chiến lược CTDT đến năm 2045, với tư duy mới, tầm nhìn mới; gắn với phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 05/2011/NĐ-CP, hơn 7 năm thực hiện Chiến lược CTDT đến năm 2020, hàng trăm chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS đã được ban hành, triển khai thực hiện. Các chính sách đã phát huy hiệu quả, giải quyết cơ bản những khó khăn, bức xúc nhất ở vùng DTTS và miền núi, làm thay đổi căn bản diện mạo ở vùng khó khăn.
Chính sách sát sườn
Mảng, Cống, Cờ Lao, La Hủ là 4 DTTS rất ít người; đồng bào sinh sống rải rác ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa và biên giới của 3 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu và Hà Giang. Điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, đời sống... của các dân tộc này hết sức khó khăn.
Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao" được thực hiện tại 88 thôn, bản trên 27 xã thuộc 9 huyện của các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên và Hà Giang. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, mức sống của đồng bào 4 dân tộc tương đương mức sống của các dân tộc khác trong vùng.
Tại thời điểm năm 2011, khảo sát của Ủy ban Dân tộc cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn nghèo đơn chiều năm 2011 theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ) là rất cao. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là dân tộc La Hủ (trên 81%), thấp nhất là dân tộc Cống (trên 64%).
Từ thực tế đó, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao". Đề án sau đó được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1672/QĐ-TTg, ngày 26/9/2011, thời gian thực hiện là 10 năm (2011 – 2020).
Thực hiện Đề án, các địa phương đã triển khai đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu (điện lưới, đường giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng,…), hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi, lắp đặt trạm truyền thanh không dây,… Nhờ đó, đời sống của đồng bào các dân tộc: Mảng, Cống, Cờ Lao, La Hủ ở những bản làng xa xôi, hẻo lánh nhất đã có chuyển biến tích cực cả ở phương diện giảm nghèo và dân số.
Như ở bản Nậm Củm của xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Tại thời điểm tháng 5/2014, bản có 28 hộ (100% là dân tộc Mảng), tỷ lệ hộ nghèo gần như tuyệt đối (chuẩn nghèo đơn chiều). Đến tháng 3/2021, dân số của bản đã tăng lên 39 hộ (có 28 hộ nghèo, theo chuẩn nghèo đa chiều). Nậm Củm cũng đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), với cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ.
Giải quyết các nhu cầu bức thiết
"Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao" là một trong nhiều đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành thành chính sách trong giai đoạn 2011 – 2020. Các đề án, chính sách đã phát huy hiệu quả, giải quyết cơ bản những khó khăn, bức xúc nhất ở vùng DTTS và miền núi.
Đến thời điểm này, theo báo cáo của Bộ Tài chính, cả nước hiện có 1,4 triệu khách hàng là hộ DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ đạt 46.159 tỷ đồng, chiếm 24,6% dư nợ của Ngân hàng CSXH; dư nợ bình quân đạt 31,4 triệu đồng/hộ.
Đơn cử như chính sách giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS đã được triển khai liên tục từ năm 2004 đến nay; từ Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, Quyết định số 1592/QĐ-TTg năm 2009, Quyết định 755/QĐ-TTg năm 2013, Quyết định 2085/QĐ-TTg năm 2016,…
Đến hết năm 2020, theo Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2020 của Ủy ban Dân tộc về "Tổng kết Chiến lược CTDT đến năm 2020" (BC 732), ở vùng DTTS và miền núi đã có 35,6% hộ DTTS có từ 1ha đất sản xuất trở lên; có 13,3% hộ DTTS có từ 2.500 – 5.000m2 đất sản xuất; có 11% hộ DTTS có từ 5.000 – 7.500m2 đất sản xuất,…
Cũng theo BC 732, Chiến lược CTDT đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 449/QĐ-TTg đã đặt mục tiêu giải quyết các nhu cầu bức thiết của đồng bào DTTS, như: nhà ở, đất ở, điện/nước sinh hoạt, thu nhập, giảm nghèo,… Đến cuối năm 2020, đã có 75% hộ DTTS có nhà ở đạt tiêu chuẩn (đạt mục tiêu), có 96,5% hộ DTTS được sử dụng điện lưới (vượt mục tiêu),…
Hiện tỷ lệ học sinh 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt 89,46% (Báo cáo Tổng kết Chiến lược CTDT đến năm 2020 của Ủy ban Dân tộc)
Đặc biệt, Chiến lược CTDT đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn vùng DTTS tăng 4 lần; tính đến cuối năm 2020 đã tăng 5 lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2011 – 2020 giảm 4,3%/năm, vượt mục tiêu đề ra (4%/năm).
Diện mạo mới
Sau 10 năm thực hiện Nghị định 05/2011/NĐ-CP, hơn 7 năm thực hiện Chiến lược CTDT đến năm 2020, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã khoác lên mình màu áo mới. Điều kiện sống của người dân đã được cải thiện và nâng cao. Đến nay, toàn vùng đã có 98% hộ được xem truyền hình, 98% thôn bản có internet; bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS được bảo tồn, phát huy;…
Hiện 86,1% người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm; các nghề truyền thống được khôi phục, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống và tăng thu nhập cho đồng bào (Ảnh minh họa)
Theo BC 732 của Ủy ban Dân tộc, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thay đổi rõ rệt. Chỉ tính riêng giai đoạn 2015 - 2019, đã có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi danh sách huyện 30a; 124/2.139 xã, 1.322/20.176 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135.
Trong xây dựng NTM, dù xuất phát điểm thấp nhưng vùng DTTS và miền núi đã có bước tiến đáng khích lệ. Hết năm 2020, toàn vùng đã có 1.052/5.266 xã đạt chuẩn NTM; có 27 đơn vị cấp huyện "về đích" NTM (tính chung cả nước, hết năm 2020 có 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn - Pv)
Những thành tựu vượt bậc của vùng DTTS và miền núi là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của các chính sách đã được ban hành, triển khai từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên, hiện vùng DTTS và miền núi đang đối diện với nhiều thách thức trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Để giải quyết những thách thức này đòi hỏi phải khắc phục được những hạn chế trong xây dựng cũng như thực thi chính sách đầu tư, hỗ trợ.
Trích nguồn: Báo Dân tộc