Văn hóa xã hội

Chuyển đổi số giải bài toán chăm lo cho người lao động
Ngày đăng 10/01/2024 | 14:01  | View count: 1990

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, chuyển đổi số phải hướng đến người lao động, giải quyết bài toán lớn về chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Chiều 3/1, Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam được tổ chức. Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Công đoàn TT&TT Việt Nam Phạm Đức Long chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Đức Long đánh giá, bộ máy tổ chức cơ quan Công đoàn TT&TT, nhất là bộ phận thường trực đã nhanh chóng ổn định, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, tập trung chuẩn bị cho công tác đánh giá tổng kết hoạt động công đoàn năm 2023, xây dựng cụ thể hóa các nội dung, chương trình, mục tiêu và phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 2023 – 2028, đáp ứng yêu cầu thực tiễn tổ chức và hoạt động của công đoàn các cấp ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ.

Anh-tin-bai
Chủ tịch Công đoàn TT&TT Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Đức Huy)

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết: "Hội nghị Ban chấp hành lần thứ hai là bước chuẩn bị quan trọng cho công tác đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Công đoàn TT&TT Việt Nam nhằm quán triệt và triển khai tốt Nghị quyết Đại hội XVI Công đoàn TT&TT Việt Nam, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Công đoàn Việt Nam, đảm bảo kế thừa và phát huy truyền thống, thành tựu của phong trào công nhân viên chức và hoạt động công đoàn trong tình hình mới".

Chủ tịch Công đoàn TT&TT Việt Nam nhấn mạnh hội nghị lần này sẽ thông qua nhiều nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc triển khai các phong trào công nhân viên chức và hoạt động Công đoàn ngành TT&TT năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày báo cáo tổng kết công tác công đoàn năm 2023, chương trình công tác năm 2024; báo cáo tổng kết hoạt động của Uỷ ban kiểm tra công đoàn năm 2023, chương trình công tác năm 2024.

Tính đến ngày 31/10/2023, Công đoàn TT&TT Việt Nam hiện có 249 công đoàn cơ sở với 82.992 đoàn viên (giảm 3.497 đoàn viên so với năm 2022), trong đó, Công đoàn TT&TT Việt Nam trực tiếp chỉ đạo 30 công đoàn trực thuộc, gồm 7 công đoàn cấp trên cơ sở và 23 công đoàn cơ sở trực thuộc.

Về công tác hoạt động chăm lo lợi ích đoàn viên, Công đoàn TT&TT Việt Nam đã triển khai tổ chức các hoạt động chăm lo tết cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với số tiền hơn 1,67 tỷ đồng. Về công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên và người lao động, Công đoàn TT&TT Việt Nam chỉ đạo tập trung công tác tuyên truyền giáo dục với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, tận dụng mặt tích cực của mạng xã hội và sử dụng các kênh thông tin tại các đơn vị; công tác tuyên truyền ngày càng phát huy hiệu quả trong tình hình hiện nay.

Về công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng tổ chức công đoàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn, trong hai ngày 15 - 16/10/2023, tại Hà Nội, Công đoàn TT&TT Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Công đoàn TT&TT Việt Nam lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2023-2028. Công đoàn TT&TT Việt Nam đã xây dựng và ban hành chương trình công tác năm 2023, trong đó xác định nhiệm vụ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động công đoàn là một trong những nội dung trọng tâm.

Năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Công đoàn TT&TT Việt Nam xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm bứt phá, đó là: Xây dựng ứng dụng (app) để thực hiện chuyển đổi số hoạt động; nghiên cứu việc ứng dụng trợ lý ảo trong công tác tư vấn pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; phối hợp với Viện Giáo dục và Đào tạo số (VTC EDU) xây dựng học liệu trực tuyến để tuyên truyền và tập huấn các bài giảng giúp đoàn viên, cán bộ công đoàn nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ và công tác Công đoàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác kiểm tra, giám sát của các cấp.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, góp ý cho các nội dung cơ bản của dự thảo Quy chế làm việc của Ban chấp hành Công đoàn, Ủy ban kiểm tra Công đoàn, dự thảo Phân công trách nhiệm Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, dự thảo Chương trình công tác toàn khoá của Ban Chấp hành Công đoàn TT&TT Việt Nam khoá XVI, nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Anh-tin-bai
Toàn cảnh Hội nghị Ban chấp hành Công đoàn TT&TT nhiệm kỳ XVI lần thứ hai ngày 3/1 tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy)

Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) chia sẻ: Tại Đại hội Công đoàn lần thứ XIII, bài tham luận của Bộ TT&TT được đánh giá cao. Trong chương trình công tác của năm 2023, Bộ được giao chỉ đạo công tác tuyên truyền đại hội đoàn, tổng liên đoàn các cấp. Theo thống kê của Cục Báo chí, từ tháng 1/2023 đến ngày 31/12/2023 đã có 59.117 tin, bài tuyên truyền về hoạt động công đoàn. Ông đề xuất đưa số liệu này vào báo cáo tổng kết hoạt động để Tổng liên đoàn lao động biết được hoạt động tuyên truyền của Bộ TT&TT hiệu quả như thế nào.

Ông Hoàng Quốc Trường, Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn TT&TT Việt Nam, cho biết bên cạnh việc chuẩn bị ứng dụng, máy chủ, dữ liệu, còn một vấn đề đó là công đoàn viên, người lao động cần có smartphone để cài đặt app, đón nhận thông tin từ cấp trên. Theo định hướng của Bộ TT&TT, sẽ tắt sóng 2G trong năm 2024, dẫn đến một số trường hợp người lao động chưa mua được điện thoại thông minh, hỗ trợ 4G/5G. Do đó, nếu công đoàn Bộ TT&TT có chiến dịch hỗ trợ chuyển đổi từ điện thoại 2G lên 4G và tải sẵn app sẽ vừa giúp sức người lao động, vừa đưa ứng dụng đến tận tay mọi người.

Liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đoàn viên công đoàn, đại diện VNPost cho biết người lao động chủ yếu tiếp cận qua văn bản. Với thế mạnh của ngành là chuyển đổi số, có thể thiết lập số điện thoại đường dây nóng, trung tâm tư vấn pháp luật hoặc sử dụng trợ lý ảo để giải đáp thắc mắc về chế độ chính sách khi người lao động cần.

Thứ trưởng Phạm Đức Long đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu tham gia hội nghị và sẽ tiếp thu, chỉnh sửa báo cáo tổng kết, cũng như nhiệm vụ, giải pháp. Theo Thứ trưởng, Công đoàn phải trả lời câu hỏi tại sao người lao động phải gắn bó với mình. Chuyển đổi số phải hướng đến người lao động, giải quyết bài toán lớn về chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Thứ trưởng cho biết đang chỉ đạo xây dựng ứng dụng mới có thể truyền thông, gắn kết với người lao động. Tuy nhiên, ứng dụng phải như một mạng xã hội. Trong đó, phần tuyên truyền, truyền thông chính sách chỉ tối đa 20%, 80% còn lại để giải trí, chia sẻ, trao đổi và người lao động tự sáng tác nội dung. Chỉ có như vậy, app mới "sống" được.

Thứ trưởng cũng đang chỉ đạo phát triển nền tảng đào tạo trực tuyến, trong đó nội dung đào tạo là quan trọng hơn cả. CMCN 4.0 lấy đi nhiều việc nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội mới. Muốn có AI, phải có dữ liệu lớn, muốn sử dụng dữ liệu lớn phải có kỹ năng số. Phải đào tạo cho người lao động kỹ năng số để sau này họ có cơ hội chuyển đổi công việc. Các bài giảng nên làm dưới dạng video clip ngắn, giới hạn trong 10 phút. Cách làm này phải thuê các đơn vị để chuyển hóa các bài giảng. Ngoài ra, Công đoàn cũng đã chỉ đạo phát triển trợ lý ảo để tư vấn mọi nội dung chính sách, pháp luật... cho người lao động. Đây là một số điểm mới trong nhiệm vụ năm 2024 mà Công đoàn đang thực hiện.

Anh-tin-bai
Lễ ký biên bản bàn giao Chủ tịch Công đoàn TT&TT Việt Nam (Ảnh: Du Lam)

Cũng tại hội nghị đã diễn ra lễ ký biên bản bàn giao công việc giữa Chủ tịch Công đoàn TT&TT khóa XV và Chủ tịch Công đoàn TT&TT khóa XVI, cũng như công bố Quyết định nghỉ hưu hưởng chế độ BHXH đối với ông Chu Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn TT&TT khóa XV và bà Tăng Thị Hoa, Phó Chủ tịch Công đoàn TT&TT khóa XVI.

Nguồn: vietnamnet.vn