Văn hóa xã hội
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2020) bao gồm 10 dự án và tiểu dự án thành phần thuộc lĩnh vực quản lý của từng bộ, ngành. Do đó, để tránh trùng lắp thì công tác rà soát các văn bản pháp luật liên quan; kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp là hết sức quan trọng.
Đồng bào DTTS chỉ chiếm 17,48% dân số ở 52 tỉnh, thành vùng DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)
Đã có tiền lệ
Theo đánh giá của Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội, hiện nay hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS và miền núi là toàn diện, bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống KT-XH. Thống kê cho đến nay, đã có tổng cộng 118 chính sách, trong đó có 54 chính sách trực tiếp và 64 chính sách gián tiếp.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch HĐDT của Quốc hội cho rằng, con số thống kê 118 chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi cần phải rà soát lại cho chính xác. Bởi thực tế có rất nhiều chính sách triển khai ở vùng DTTS và miền núi có sự trùng lắp về nội dung, lĩnh vực đầu tư, hỗ trợ.
Kết quả phân tích của HĐDT của Quốc hội cho thấy, chỉ tính riêng lĩnh vực giáo dục, trong 118 chính sách hiện hành có đến 19 chính sách liên quan; trong đó có 12 chính sách đầu tư, hỗ trợ trực tiếp. Hay như lĩnh vực lâm nghiệp, hiện cũng có 9/118 chính sách "na ná" nhau; còn với công tác cán bộ người DTTS, trong 54 chính sách trực tiếp đang có hiệu lực thì có 10 chính sách cơ bản tương đồng nhau…
Một vấn đề cần được nghiên cứu kỹ là, hiện 118 chính sách được xác định đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS và miền núi, nhưng kỳ thực không phải chính sách nào cũng hỗ trợ trúng đối tượng, đúng địa bàn. Đơn cử như chính sách hỗ trợ trẻ 3 - 5 tuổi tiền ăn trưa theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP, ngày 5/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Nghị định số 06/NĐ-CP, Nhà nước chỉ hỗ trợ tiền ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi.
Bảo đảm khả thi
Việc rà soát các văn bản pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc, trong đó có các văn bản thực thi chính sách là hết sức cần thiết, đồng thời là việc phải làm thường xuyên. Qua đó kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế.
Đơn cử như chính sách dạy và học tiếng nói, chữ viết DTTS. Hiện nay đã có những ngôn ngữ gần như bị mất hoàn toàn như (tiếng Cơ Lao Đỏ ở Trùng Sán, Hoàng Su Phì-Hà Giang; tiếng Ơ Đu ở Con Cuông-Nghệ An; tiếng Tu Dí (Bố Y) ở huyện Mường Khương-Lào Cai...). Có một số ngôn ngữ hiện chỉ còn rất ít người sử dụng (tiếng Pu Péo, Cơ Lao Trắng, La Chí - Hà Giang; tiếng Rục, Mày, Sách, Arem - Quảng Bình;…). Điều này có nghĩa, chính sách dạy và học tiếng nói, chữ viết DTTS cần được điều chỉnh trong thời gian tới.
Dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia phát KT - XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 bao gồm 10 dự án và tiểu dự án thành phần thuộc lĩnh vực quản lý của từng bộ, ngành. Do đó, việc rà soát để tạo nên một bộ khung thống nhất trong văn bản pháp luật có liên quan là cơ sở để đánh giá đúng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đồng bào DTTS.
Thực tế, những năm qua, nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS và miền núi là không hề nhỏ. Đơn cử như năm 2018, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư công kế hoạch 2018 của 52 địa phương vùng DTTS và miền núi là 258.543 tỷ đồng, chiếm 85,1% vốn đầu tư toàn khối địa phương. Nhưng thực chất, người DTTS không được thụ hưởng như con số báo cáo nêu. Bởi trong tổng dân số gần 76 triệu người ở 52 tỉnh, thành phố, chỉ có khoảng 13,3 triệu người DTTS, chỉ chiếm 17,48% dân số 52 tỉnh thành vùng DTTS và miền núi.
Trích nguồn: baodantoc.vn