BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang góp ý tại Hội trường về dự thảo Luật Kiến Trúc
Ngày đăng 15/11/2018 | 09:25  | View count: 7662

Chiều 14/11/, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trường Giang đã tham gia góp một số ý kiến về dự thảo Luật Kiến trúc tại phiên thảo luận tại Hội trường  Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa 14.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang - Ảnh Truyền hình Quốc hội
 

Về chính sách của nhà nước về kiến trúc.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu vấn đề:  "Cơ quan soạn thảo dự kiến bổ sung quy định về chính sách của nhà nước về kiến trúc bao gồm các quy định về khuyến khích và huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy, phát triển kiến trúc Việt Nam giàu bản sắc văn hóa dân tộc, hiện đại và bền vững, xây dựng các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kiến trúc, thiết kế mẫu đáp ứng tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiến trúc".

Về cơ bản, đại biểu Nguyễn Trường Giang đồng ý với những dự kiến bổ sung này. Tuy nhiên, đại biểu Giang cho rằng, quy định này cần được tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hơn trong dự thảo luật. Cụ thể, cần phân định rõ hai nhóm chính sách ưu tiên là hỗ trợ và khuyến khích; Nghiên cứu, bổ sung các nội dung nhà nước hỗ trợ, ưu tiên bố trí kinh phí cho một số hoạt động kiến trúc như bảo vệ, phát huy các di sản kiến trúc, các công trình kiến trúc có giá trị; Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về kiến trúc và nâng cao nhận thức của cộng đồng. Theo đại biểu, các quy định này nếu được bổ sung sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của các kiến trúc sư, tạo tiền đề phát triển cho kiến trúc Việt Nam.

Về quản lý kiến trúc, tại Chương II về quy chế quản lý kiến trúc.

Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang: Quy chế quản lý kiến trúc là một công cụ quản lý kiến trúc quan trọng để quản lý, phát triển kiến trúc tại địa phương và cơ quan quản lý nhà nước ban hành, nhằm khắc phục những bất cập trong công tác quản lý kiến trúc hiện nay. Thiết lập trật tự xây dựng và phát triển kiến trúc, xác định đối tượng phải thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc có vai trò quan trọng tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và là cơ sở pháp lý để cấp phép xây dựng.

Vì vậy, dự thảo luật cần được quy định cụ thể và chặt chẽ hơn từ việc xây dựng quy chế, nội dung, trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, tổ chức thực hiện quy chế; đồng thời quy định về thẩm quyền phê duyệt hai loại quy chế kiến trúc đó là chung và chi tiết; thống nhất phù hợp với cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng.

Về thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang đồng ý với các nội dung dự thảo luật và dự kiến hướng tiếp thu, chỉnh lý của Ban soạn thảo về việc không quy định hình thức thi tuyển để chọn nhằm đảm bảo với yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần bổ sung quy định rõ hơn về đối tượng công trình phải tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc, quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về tiêu chí các công trình phải tổ chức thi tuyển như vị trí, tính chất, quy mô, yêu cầu kiến trúc đặc thù; quy định về điều kiện thi tuyển rộng rãi, hạn chế điều kiện thi tuyển, tuyển chọn; và quy định cụ thể hơn về hội đồng thi tuyển, tuyển chọn.

Quy định về bảo hộ quyền sở hữu tác giả của kiến trúc sư

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng: Kiến trúc là ngành nghề nghệ thuật và khoa học, mỗi thiết kế kiến trúc, công trình kiến trúc là một công trình nghệ thuật. Do vậy, dự thảo Luật cần bổ sung quy định cụ thể hơn về quyền tác giả và giám sát tác giả kiến trúc, tác giả phương án thiết kế kiến trúc phải được thực hiện, giám sát tác giả trong quá trình xây dựng công trình, bao gồm quy định về quyền và trách nhiệm của tác giả thiết kế kiến trúc và tổ chức, cá nhân có liên quan; bổ sung quy định cụ thể về quản lý di sản kiến trúc đô thị và nông thôn, công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích theo quy định pháp luật về di sản văn hóa; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, việc đánh giá giá trị, xác định các công trình kiến trúc có giá trị và cách thức, biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị công trình kiến trúc này, góp phần bảo vệ và giữ gìn, phát huy, phát triển nền kiến trúc Việt Nam.

Đại biểu Giang cho biết, trong dự thảo luật cũng đã quy định một điểm về bảo hộ quyền sở hữu tác giả của kiến trúc sư, tuy nhiên lại dẫn chiếu sang Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định như dự thảo luật chưa đủ.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang cũng đưa ra một số ý kiến liên quan đến quy định của dự thảo Luật về việc hành nghề kiến trúc, cụ thể như sau:

Về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Đại biểu Giang đồng ý với quy định của dự thảo luật là giao cho cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kiến trúc xây dựng cấp tỉnh thực hiện việc cấp chứng chỉ mà không quy định cụ thể là Sở Xây dựng. Theo đại biểu, nếu chúng ta quy định là Sở Xây dựng, sắp tới thực hiện Nghị quyết 18 có thể Sở Xây dựng ở một số tỉnh sẽ sáp nhập với một số sở khác, khi đó luật đã quy định cứng tên vào đây thì rất khó triển khai thực hiện. Khi tổ chức xã hội nghề nghiệp của kiến trúc sư đã phát triển, có đủ năng lực, điều kiện thì sẽ giao cho tổ chức này thực hiện được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định cụ thể trong dự thảo Luật về phạm vi hành nghề của kiến trúc sư.

Về việc không phân hạng chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang đồng ý với ý kiến của một đại biểu khác cho rằng "dự thảo Luật không phân hạng chứng chỉ hành nghề kiến trúc là hợp lý" vì kiến trúc là loại hình nghệ thuật, mang đặc trưng của loại hình nghệ thuật sáng tạo. Kiến trúc không hoàn toàn phụ thuộc vào độ tuổi, kinh nghiệm của kiến trúc sư. Chứng chỉ hành nghề là cơ sở pháp lý chứng nhận đủ điều kiện hành nghề, không phản ánh đầy đủ năng lực hành nghề của kiến trúc sư.

Về đạo đức hành nghề của kiến trúc sư

Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, đạo đức hành nghề, ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư có ý nghĩa quan trọng là một điều kiện được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề. Đây là nền tảng pháp lý góp phần tiếp tục xây dựng môi trường hành nghề kiến trúc, đội ngũ kiến trúc sư đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của giới chuyên môn, cộng đồng xã hội.

Do vậy,  trong dự thảo Luật cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về đạo đức hành nghề của kiến trúc sư, trên cơ sở đó tổ chức xã hội nghề nghiệp của kiến trúc sư sẽ cụ thể hóa và ban hành bộ quy tắc đạo đức hành nghề của kiến trúc sư, đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định làm rõ về việc cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện, kiểm soát và có biện pháp duy trì thực hiện các yêu cầu về phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư theo quy định của dự thảo Luật.

T.T