Nội dung bài viết
Với chủ trương giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc diện khó khăn thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhiều năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, máy móc thiết bị, thức ăn chăn nuôi, xây dựng mô hình sản xuất.
Một thời gian dài, sự hỗ trợ sản xuất cho đồng bào trước đây còn mang tính áp đặt, không khảo sát nhu cầu của người dân. Nhiều người có nhu cầu cây trồng thì lại được nhận vật nuôi, nông cụ, nên không đáp ứng yêu cầu, không phát huy được khả năng, thế mạnh của từng hộ gia đình trong phát triển sản xuất.
Điều này dẫn đến tình trạng, một số người dân nhận cây giống về nhưng không trồng. Còn những hộ được nhận vật nuôi, do chưa hiểu biết kỹ thuật chăn nuôi nên gia súc, gia cầm bị bệnh chết, thậm chí bị giết thịt.
Để người dân tự chọn giống cây trồng, góp phần để chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất phát huy được hiệu quả. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021) |
Rút kinh nghiệm thực tế, những năm gần đây, các địa phương linh hoạt bằng cách khảo sát, tiếp nhận nhu cầu của đồng bào thông qua tổ chức đăng ký các loại cây trồng, vật nuôi hay nông cụ sản xuất. Sau khi tổ chức cho người dân đăng ký, địa phương đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ theo nhu cầu cần thiết.
Đối với các hộ đăng ký máy móc, địa phương tập hợp số gia đình trong cùng một khu vực, rồi đưa máy về, phù hợp nguyện vọng của người dân cũng như tạo thuận tiện cho việc sử dụng. Chính cách làm này đã phát huy tác dụng, hiệu quả để người dân phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế.
Điển hình như việc hỗ trợ kinh phí để mua máy bơm phục vụ tưới cho cây trồng của 20 hộ dân ở thôn 12, xã Quảng Hòa (Đắk Glong). Với nhu cầu của những hộ dân cần máy bơm, nếu không khảo sát mà cứ áp đặt đưa giống cây trồng về, chắc chắn sẽ thiếu hiệu quả và phản tác dụng.
Ông Vi Văn Thuộc, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết: "Cách hỗ trợ sản xuất trước đây mang tính áp đặt, không đáp ứng nhu cầu của đối tượng đang cần nên thiếu hiệu quả. Với cách làm hiện tại, xã hạn chế được tình trạng người dân nhận tiền về ăn uống, nhậu nhẹt chứ không dùng để phát triển sản xuất. Việc hỗ trợ sản xuất đã giúp đồng bào có nông cụ, trồng loại cây phù hợp với từng vùng đất, tránh được tình trạng nhận cây giống về rồi không trồng, hoặc trồng nhưng phát triển kém".
Chị H'Êm Byôk ở xã Quảng Phú (Krông Nô) cho hay: "Khu vực mình ở thường có gió mạnh nên chăn nuôi các loại gia cầm rất khó khăn, dễ bị bệnh và chết. Do vậy, khi xã thông báo được hỗ trợ vật nuôi theo nhu cầu của bà con, gia đình mình chọn heo giống. Nhờ được chọn vật nuôi theo ý muốn, nên mình nuôi heo rất nhanh lớn, ít bị bệnh dịch. Từ kinh nghiệm này, mình mua thêm con giống, phát triển thành đàn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình".
Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa cũng đang thực sự thay đổi cách làm ăn cho đồng bào DTTS. Qua các mô hình thực tiễn, đồng bào biết học hỏi rồi thay đổi sản xuất với những sản phẩm thị trường đang cần, nên mang lại nguồn thu cao.
Điển hình như mô hình kinh tế của gia đình anh Điểu Nanh ở xã Trường Xuân (Đắk Song). 10 năm trước, gia đình anh Điểu Nanh thuộc diện nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Với sự hỗ trợ kịp thời từ chính sách dành cho đồng bào DTTS, gia đình anh Điểu Nanh mạnh dạn đầu tư trồng 1,5 ha cà phê xen hồ tiêu và các loại cây ngắn ngày. Hiện nay, mỗi năm, trừ mọi chi phí đầu tư, gia đình anh thu về trên 250 triệu đồng.
Theo Ban dân tộc tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020, từ nguồn ngân sách của Nhà nước, tỉnh bố trí 35,243 tỷ đồng để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, nông cụ và xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Trong đó, năm 2020, với kinh phí hơn 10,8 tỷ đồng, tỉnh cấp hơn 9.400 con gia súc, gia cầm giống; gần 2.000 cây giống các loại; hơn 595 tấn phân bón; 2,950 tấn thức ăn công nghiệp; 41 máy móc và xây dựng thêm 1 mô hình phát triển kinh tế.
Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục đề nghị Trung ương bố trí kinh phí để hỗ trợ cho đồng bào DTTS.
Theo Báo Đắk Nông Điện tử