Nội dung bài viết
Ngày 04/6/2021, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) năm 2021. Đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự có đồng chí Lê Minh Hoan - UVTWĐ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên và tìm kiếm cứu nạn; lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan ở Trung ương.
Toàn cảnh Hội nghị.
Tại điểm cầu Đắk Nông, đồng chí Lê Trọng Yên – TUV, PCT UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có đồng chí Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cấp tỉnh và cấp huyện.
Đ/c Lê Trọng Yên – TUV, PCT UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh.
Theo báo cáo tại Hội nghị, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thông tin, năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19, thiên tai trên thế giới và khu vực diễn ra hết sức phức tạp với gần 500 đợt ở quy mô quốc gia và khu vực; hơn 30 cơn bão xuất hiện trên Đại Tây Dương vượt mức kỷ lục ... gây tổng thiệt hại về kinh tế trên 210 tỷ USD và tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, khu vực.
Trong nước, năm 2020 thiên tai diễn ra dồn dập và khốc liệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế xã hội, đời sống nhân dân, môi trường và giao thương... Như: 3.429 nhà sập; trên 198.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; ... Tổng thiệt hại trên 39.962 tỷ đồng.
Mặc dù thiên tai năm 2020 diễn ra dồn dập và hết sức khốc liệt cùng diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19, song công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai đã được Ban chỉ đạo Trung ương, địa phương và các cấp các ngành, cùng nhân dân địa phương chủ động, kịp thời và hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại đồng thời khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân khu vực bị ảnh hưởng. Công tác, như: Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào kế hoạch, hoạt động của các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; 63/63 tỉnh, thành phố và 12 bộ, ngành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW; xây dựng các hệ thống công trình phòng, chống thiên tai trong cả nước, cả nước đã có: 1.850 trạm đo khí tượng thủy văn và hải văn, 9.297 km đê, 919 kè...; tính đến nay đã có 19.350 hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở nhà an toàn; đã di chuyển trên 34.964 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai theo chương trình bố trí dân cư;...
Tại Hội nghị, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021, theo đó Ban chỉ đạo các cấp phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động, tổ chức triển khai các nhiệm vụ phòng chống thiên tai năm 2021 theo kế hoạch.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu từ các bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan và các tỉnh, thành phố đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay, nêu những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị những giải pháp về công tác phòng chống thiên tai để làm giảm thiểu thiệt hại về thiên tai năm 2021.
Tại hội nghị các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị tham dự đã trao đổi, thảo luận các nội dung về: Các giải pháp để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi thiên tai; vừa phòng, chống dịch Covid-19 và vừa phòng, chống thiên tai; …
Đ/c Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phát biểu kết luận Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận, biểu dương các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo các cấp, toàn thể nhân dân đã tham gia giảm thiểu thiên tai năm vừa qua, chia sẻ tri ân các đồng chí hi sinh, các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong năm 2020. Bên Cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Công tác tổ chức nhiều lúc còn bị động, lúng túng, trách nhiệm chưa cao; nguồn lực đầu tư cho thiên tai còn hạn chế; công tác tìm kiếm cứu nạn còn chậm; thiệt hại thiên tai năm 2020 còn lớn... Thời gian tới, đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, đồng chì đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện: Lấy an toàn của người dân làm thước đo hiệu quả phòng chống thiên tai; thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN và đảm bảo công tác phòng, chống dịch, bệnh Covid-19; các cơ quan Trung ương cần tập trung dự báo, giám sát triển khai biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống thiên tai; tập trung triển khai, chỉ đạo xây dựng các hệ thống công trình phòng, chống thiên tai hiệu quả; theo chức năng nhiệm vụ được giao, chuẩn bị các kịch bản ứng phó thiên tai trong điều kiện dịch bệnh để sẵn sàng ứng phó...
ĐQ