Nội dung bài viết

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tuần từ ngày 3-7/1
Ngày đăng 10/01/2022 | 07:57  | View count: 5460

Đảm bảo cung ứng oxy phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19; phòng, chống hạn hán, bảo đảm nguồn nước sản xuất vụ Đông Xuân; điều kiện mới về kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/3/2022; quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất cho người có công; sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía bắc;... là những thông tin chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ ngày 3-7/1/2022.

Đảm bảo cung ứng oxy phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Công Thương, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 1815/CĐ-TTg ngày 26/12/2021, số 1792/CĐ-TTg ngày 23/12/2021 và Công văn số 60/VPCP-KGVX ngày 3/1/2022 về cung ứng, điều phối oxy cho điều trị bệnh nhân COVID-19.

Trường hợp xét thấy cần thiết nhằm bảo đảm oxy cho điều trị, Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp tạm ngừng, hạn chế xuất khẩu oxy theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an chỉ đạo và tạo điều kiện thực hiện việc vận chuyển oxy cho y tế thuận lợi nhất, đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu sử dụng oxy cho điều trị.

Phòng, chống hạn hán, bảo đảm nguồn nước sản xuất vụ Đông Xuân

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi diễn biến nguồn nước, kịp thời thông tin, hướng dẫn địa phương và người dân triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện kế hoạch, giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân làm cơ sở điều tiết nước từ các hồ chứa thủy điện, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Hướng dẫn lịch thời vụ, chuyển đổi cây trồng phù hợp, nhất là tại khu vực không chủ động được nguồn nước, thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước; tăng cường ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo dõi, cập nhật phương án huy động các nguồn điện phù hợp tình hình thủy văn, nguồn nước tại các hồ thủy điện để bảo đảm nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nhu cầu sử dụng điện của người dân; đồng thời có phương án huy động điện phù hợp từ các nhà máy thủy điện trong thời gian các hồ thủy điện phải điều tiết bổ sung nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân nhằm khai thác tối đa hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Chỉ đạo các đơn vị có liên quan bảo đảm cung cấp điện cho các trạm bơm tưới hoạt động hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ lấy nước phục vụ sản xuất.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước vụ Đông Xuân của địa phương phù hợp với điều kiện nguồn nước, khả năng vận hành lấy nước của công trình thủy lợi, lịch thời vụ; rà soát diện tích khó khăn về cấp nước để có phương án bảo đảm cấp nước hoặc chuyển đổi cây trồng. Tổ chức nạo vét kênh mương, cửa lấy nước, thực hiện công tác thủy lợi nội đồng nhằm tăng khả năng dẫn, trữ nước; rà soát khả năng lấy nước từ hệ thống sông Hồng - Thái Bình, có phương án thay thế hoặc lắp đặt các trạm bơm dã chiến để chủ động lấy nước.

Điều kiện mới về kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/3/2022

Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Kinh doanh bất động sản, bao gồm các nội dung về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản; về các loại hợp đồng mẫu kinh doanh bất động sản; về chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn; chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản.

Quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất cho người có công

Chính phủ ban hành Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định miễn, hoặc giảm tiền sử dụng đất cho người có công.

Lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ bị phạt đến 150 triệu đồng

Theo Nghị định 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, phạt tiền từ 100-150 triệu đồng đối với  hành vi lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Pha chế xăng dầu nhưng không đăng ký cơ sở pha chế bị phạt đến 60 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định 126/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử.

Nghị định 126/2021/NĐ-CP sửa đổi Điều 29 vi phạm quy định trong pha chế xăng dầu. Cụ thể,  phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Pha chế xăng dầu nhưng không đăng ký cơ sở pha chế; pha chế xăng dầu khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận; sử dụng giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu đã hết hiệu lực; sử dụng phụ gia không thông dụng và các chế phẩm để pha chế xăng dầu khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền; pha chế xăng dầu tại địa điểm không phải là nơi sản xuất, xưởng pha chế được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu.

Quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp bị phạt đến 20 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định 129/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo. Trong đó, sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 3 Điều 51 như sau: Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.

Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn bị phạt tới 15 triệu đồng

Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, trong đó, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn; cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.

Chỉ được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng

Theo Nghị định 134/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

Giả mạo vé đặt cược để lĩnh thưởng bị phạt đến 100 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định 137/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh đặt cược và trò chơi có thưởng. Theo đó, phạt tiền từ 90-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Giả mạo vé đặt cược để lĩnh thưởng; dàn xếp làm sai lệch kết quả sự kiện đặt cược; giả mạo kết quả trúng thưởng.

Các trường hợp giao phương tiện giao thông vi phạm cho người vi phạm bảo quản

Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.

Trong đó, Nghị định quy định cụ thể về giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

Sử dụng tàu thuyền quá niên hạn bị phạt tới 75 triệu đồng

Theo Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, khai thác, sử dụng tàu thuyền quá niên hạn sử dụng theo quy định bị phạt tiền từ 65-75 triệu đồng.

Chế độ học tập, sinh hoạt của trại viên tại cơ sở giáo dục bắt buộc

Chính phủ ban hành Nghị định 140/2021/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc.

Trong đó, Nghị định quy định chế độ học tập, sinh hoạt của trại viên tại cơ sở giáo dục bắt buộc.
Quy định xử phạt trục xuất người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam

Chính phủ ban hành Nghị định 142/2021/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

Trồng các loại cây có chứa chất ma túy bị phạt đến 10 triệu đồng

Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: 1- Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 2- Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; 3- Phục vụ công dân số; 4- Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; 5- Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Người lao động phải về nước trước thời hạn được hỗ trợ tới 20 triệu đồng

Theo Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ từ 7 triệu đồng đến 20 triệu đồng/trường hợp khi người lao động phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác.

Sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía bắc

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Y tế, Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 350/TB-VPCP ngày 27/12/2021 về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía bắc; đồng thời nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao để sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía bắc.

Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 02/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam.

Năm 2022 quyết liệt tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 2262/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Theo đó, năm 2022 thực hiện quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế; phòng, chống, khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội./.

Theo chinhphu.vn