Nội dung bài viết
Trước tình hình cấp bách, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ban hành văn bản triển khai các giải pháp huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp trong việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” nhằm huy động sức mạnh của của cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương, xã, phường, thị trấn… phải áp dụng Chỉ thị 15, 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh. Covid-19 đã làm cho đời sống hàng ngày của người dân, hộ gia đình bị xáo trộn; việc lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh… bị đình trệ. Trước những khó khăn thách thức, nhiều cách làm hay, sáng tạo của các cấp, các ngành, hệ thống dân vân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp đã hình thành nhiều mô hình như: "Gian hàng 0 đồng"; "Gian hàng 0 đồng lưu động"; "Bếp ăn 0 đồng", "Tổ dân vận giúp dân", "Tổ Covid-19 cộng đồng", "Đội hình thanh niên tình nguyện", "ATM gạo 0 đồng" … nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong thời gian cách ly, giãn cách, tham gia cùng các cấp, các ngành phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Ban Dân vận Tỉnh ủy đã thăm và trao tặng 175 suất quà trị giá 110 triệu đồng cho các hộ gia khó khăn, các chốt, trạm kiểm soát phòng chống dịch bệnh |
Bên cạnh đó, hệ thống công tác dân vận phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai các hoạt động vận động, tuyên truyền đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không hoang mang, lo sợ, phải bình tĩnh, sáng suốt để phòng, chống dịch. Tuyên truyền, động viên bà con Nhân dân, hộ gia đình tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm, tăng cường trồng các loại rau củ quả, cây ngắn ngày phù hợp nhằm đảm bảo lương thực, thực phẩm tại chỗ, đồng thời cung cấp thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày của từng hộ gia đình trong các tình huống phòng, chống dịch bệnh.
Nhiều địa phương đã báo cáo cấp ủy, tiến hành xây dựng các các mô hình "Dân vận khéo". Điển hình như Ban Dân vận Huyện ủy Cư Jút đã ban hành Kế hoạch số 08-KH/BDVHU, ngày 25/8/2021, lựa chọn xây dựng 03 mô hình "Gian hàng 0 đồng", "Bếp ăn 0 đồng", "Tổ dân vận giúp dân" trên địa bàn huyện; Ban Dân vận Huyện ủy Đắk Song phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện cùng các ban, ngành đoàn thể xây dựng mô hình "Chợ 0 đồng" tại xã Đắk N'Drung…
Hệ thống công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở đã kịp thời tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên lực lượng làm nhiệm phòng, chống dịch nơi tuyến đầu; kêu gọi, vận động trao tặng hàng trăm suất quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tăng cường các hoạt động nắm bắt tình hình cơ sơ để có những kiến nghị, đề xuất kịp thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tích cực vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, tính đến ngày 09/9/2021 quỹ đã thu được 13.499.435.064 đồng, trong đó Quỹ vác xin là 4.193.808.000 đồng.
Hội Cựu chiến binh các cấp đã huy động 133 cán bộ, hội viên tham gia Tổ Covid-19 cộng đồng, phân công 114 lượt cán bộ, hội viên tham gia tại các điểm chốt trên địa bàn tỉnh; Đoàn thanh niên đã kêu gọi hàng trăm lượt thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch; vận động xây dựng mô hình "ATM gạo 0 đồng" hỗ trợ gạo cho người dân gặp khó khăn; Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Liên đoàn lao động các cấp đã phối hợp vận động quyên góp được hàng trăm triệu đồng tiền mặt xây dựng các "Bếp ăn 0 đồng", Chợ 0 đồng", mô hình đi chợ giúp người dân khu phong tỏa…; kêu gọi, vận động hàng chục tấn nhu yếu phẩm, rau củ, dụng cụ phòng dịch tặng TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, các khu cách ly, các chốt kiểm soát…
Từ thực tiễn cho thấy, "Dân vận khéo" đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội; tuyên truyền, vận động Nhân dân nghiêm túc chấp hành quy định phòng, chống dịch; đồng thời góp sức, góp của, chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện hiệu quả, linh hoạt chủ trương: xác định mỗi người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sỹ" trong phòng, chống dịch.
Lê Hùng