Nội dung bài viết

Ngành Thông tin và Truyền thông triển khai nhiệm vụ năm 2022
Ngày đăng 25/02/2022 | 14:37  | View count: 4903

Sáng ngày 25/02, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Thông tin và Truyền thông năm 2022 và giai đoạn 2022-2025; phổ biến nội dung Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, các đồng chí: Hồ Văn Mười - Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Trọng Yên - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Thương - TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì. Các đồng chí Thành viên Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; Lãnh đạo các sở, ngành có liên quan, cơ quan báo chí, các doanh nghiệp ngành thông tin và truyền thông tham dự.

Tại điểm cầu các huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn: Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn, đại diện các phòng, ban đơn vị trực thuộc UBND các huyện, thành phố các tổ chức đoàn thể tham dự.

Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị

Hội nghị đã nghe đồng chí Trần Văn Thương, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thông qua nhiệm vụ Chuyển đổi số tỉnh năm 2022 và đến 2025; dự thảo Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". 

Theo đó, mục tiêu của Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Mục tiêu đến năm 2025: Lãnh đạo các cấp, các ngành trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Mọi người dân được cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước hàng năm được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số. 100% cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số. Đào tạo được tối thiểu 30 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa phương để trở thành lực lượng nòng cốt dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số. 60% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng. Xây dựng được mạng lưới chuyển đổi số đến tận cấp cơ sở với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình chuyển đổi số trong các ngành, các cấp. 50% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.

Đồng chí Trần Văn Thương - TUV, Sở Thông tin và Truyền thông thông qua nhiệm vụ Chuyển đổi số tỉnh năm 2022 và đến 2025

Mục tiêu đến 2030: 80% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; thành thạo cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu. 80% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.

Hội nghị cũng được nghe đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp ngành thông tin và truyền thông báo cáo tham luận: Giải pháp du lịch thông minh 4.0 của Viettel Đắk Nông; giải pháp Đài truyền thanh thông minh và Hệ thống thông tin nguồn tại tỉnh Đắk Nông của Mobifone Đắk Nông; Công tác triển khai sàn thương mại điện tử postmart.vn của Bưu điện tỉnh ; VNPT đồng hành Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông của VNPT.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh đến lợi ích của Chuyển đổi số. Cả nước đã Chuyển đổi số và Chuyển đổi số đã được định hình, do vậy, Đắk Nông không thể không Chuyển đổi số. Đắk Nông đã chậm trong Chuyển đổi số nên ngay từ bây giờ, Đắk Nông là phải hành động. Hành động nhiều hơn, phải nhanh hơn, phải mạnh hơn để thay đổi thứ hạng trong Chuyển đổi số, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp và phát triển bền vững.

Đồng chí Bùi Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo về việc chuyển đổi số trong quản lý đất đai

Để đạt được điều đó, đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành phải triển khai ngay các nhiệm vụ Chuyển đổi số của tỉnh, trọng tâm là: Triển khai có hiệu quả các nền tảng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; Thí điểm hiệu quả Chuyển đổi số cấp Sở, cấp huyện, cấp xã; chú trọng thí điểm Cổng Du lịch thông minh tỉnh Đắk Nông, Cổng Thông tin dữ liệu đất đai tỉnh, nông nghiệp số tỉnh ...;Triển khai 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 từ cấp tỉnh đến cấp xã; Tập trung xây dựng các hệ; thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: Du lịch, Văn hóa, Tài nguyên, Môi trường, Nông nghiệp, Tài chính, Quản lý đô thị, Y tế, Giáo dục, Đào tạo, Giao thông, Vận tải, Tư pháp, Lưu trữ số; Khai thác, sử dụng có hiệu quả các cơ sở dữ liệu mà các Bộ, Ngành đã triển khai như: dân cư, bảo hiểm xã hội...; Triển khai Chính quyền số, Đô thị thông minh phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp; đồng thời, phải tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng các ứng dụng của Chính quyền số; Thực hiện đưa các nông sản của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử; Thực hiện phủ sóng 3G, 4G đến 100% thôn, buôn, tổ dân phố; phủ sóng 5G tại Thành phố Gia Nghĩa, các thị trấn, trung tâm các xã và các khu công nghiệp, du lịch trọng điểm của tỉnh; Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, đảm bảo phát triển báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt...


Song Nguyên