Nội dung bài viết
Thời gian qua, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh luôn phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên, ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Có mặt ở tất cả các ngành, lĩnh vực
Trong công tác tham gia xây dựng Đảng, bảo vệ chính quyền, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh đã từng bước phát huy vai trò chủ động, tích cực thể hiện qua việc mạnh dạn đóng góp ý kiến vào văn kiện đại hội đảng các cấp, các dự án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong hoạt động chính trị, xây dựng bộ máy chính quyền, nhiều phụ nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp và được tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ quan trọng trong cấp ủy, chính quyền địa phương…
Hội LHPN huyện Đắk Mil hỗ trợ sinh kế giúp phụ nữ nghèo vươn lên trong phát triển kinh tế |
Qua mỗi giai đoạn, đội ngũ cán bộ nữ tham gia công tác đảng, chính quyền ngày càng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, có mặt ở tất cả các ngành, lĩnh vực.
Hiện nay, trong số 247 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thì đã có 33 cán bộ nữ (chiếm 13,36%). Riêng nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy tăng so với nhiệm kỳ trước; trong đó cấp tỉnh 12,5% (tăng 0,74%), cấp huyện 16,05% (tăng 1,33%), cấp xã 25,07% (tăng 4,01%).
Trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tỷ lệ nữ trúng cử cũng tăng so với nhiệm kỳ trước; trong đó 2 nữ ĐBQH (chiếm 33,3%, tăng 16,6%); 15 nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh (chiếm 28,8%, tăng 9,6%); 64 nữ đại biểu HĐND cấp huyện (chiếm 23,6%, tăng 1,86%); 405 nữ đại biểu HĐND cấp xã (chiếm 23,02%).
Nhiều cán bộ nữ trong tỉnh đã được bổ nhiệm, đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị |
Dù ở cương vị nào, chị em đều thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngừng học tập, rèn luyện, đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ nữ được đào tạo cơ bản, có năng lực lãnh đạo, quản lý, có triển vọng phát triển từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Tự tin, vươn lên, làm chủ kinh tế
Bên cạnh đó, phụ nữ trong tỉnh ngày càng mạnh dạn, tự tin, vươn lên, làm chủ kinh tế. Chị em không chỉ tham gia tích cực vào việc đổi mới hình thức sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng tái cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi tập trung, trang trại, liên kết sản xuất mà còn ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).
Điển hình, chị Đậu Thị Nguyệt đã thể hiện vai trò trong việc dẫn dắt, đưa HTX Tin True Coffee ở thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) ngày càng phát triển. Tháng 7/2019, HTX Tin True Coffee được thành lập và đi vào hoạt động, với vùng nguyên liệu ban đầu là 25 ha, thu hút 17 hộ tham gia. Mục tiêu của HTX là phát triển nông nghiệp bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP tiến tới phát triển theo hướng hữu cơ kết hợp phát triển du lịch cộng đồng. Với sự năng động, nhạy bén của chị Nguyệt, tuy mới thành lập và đi vào hoạt động, nhưng HTX đã từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Sản phẩm cà phê được tỉnh xếp hạng đạt OCOP 3 sao năm 2020 và được Bộ Công thương công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021.
Hội LHPN huyện Đắk Glong tặng quà cho trẻ em nghèo, khuyết tật |
Mô hình HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực (Tuy Đức) do chị Nguyễn Thủy Linh xây dựng đã khẳng định bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm của người phụ nữ.
Tháng 7/2018, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực ra đời với mục tiêu chính là sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu trên địa bàn. Thời điểm cuối năm 2018, giá tiêu xuống thấp, tiêu chết hàng loạt, HTX như đứng bên bờ vực phá sản. Thế nhưng, với đức tính chịu khó, kiên trì, chị Linh và tập thể HTX đã không bỏ cuộc, tích cực nghiên cứu thị trường, linh động, sáng tạo chuyển hướng sản xuất, kinh doanh sang hạt mắc ca.
Tháng 9/2019, sản phẩm mắc ca của HTX ra đời và từng bước định hướng, vận động bà con tham gia trồng, chăm sóc cây mắc ca, liên kết thu mua, chế biến nâng cao giá trị và khẳng định thương hiệu sản phẩm tại địa phương. Điều đáng mừng, cũng trong năm 2019, sản phẩm mắc ca của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trong cuộc thi "Đánh giá xếp loại các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP" do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức và giải ba cuộc thi "Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp" năm 2020 do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Đến nay, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực có 35 thành viên chính thức và 50 thành viên tham gia liên kết, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức lương 5,5 - 6 triệu đồng/tháng. Không dừng lại ở đó, hiện nay chị Linh đang cố gắng nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì, cải tiến thiết bị máy móc, đa dạng các sản phẩm làm từ cây mắc ca... để mở rộng sản xuất, tiêu thụ.
Trong các lĩnh vực khác như văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh hay xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, chị em đều thực hiện một cách trọn vẹn. Điều này minh chứng rõ nét nhất cho thấy tầm quan trọng, vị trí, vai trò to lớn của phụ nữ trong đời sống xã hội cũng như trong xây dựng và sự phát triển của tỉnh, xứng đáng với 8 chữ vàng "tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang".
Theo Báo Đắk Nông Điện tử