Nội dung bài viết
Để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân và người nhà trong khám, chữa bệnh, điều trị, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã từng bước áp dụng chuyển đổi số, với việc triển khai một số giao dịch trên môi trường mạng, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Từ 1/10/2020 đến nay, bệnh viện đã và đang sử dụng hệ thống phần mềm "Quản lý bệnh viện" của Tập đoàn VNPT, qua đó đáp ứng các yêu cầu về quản lý bệnh viện, chia sẻ dữ liệu cũng như thanh, quyết toán với cơ quan bảo hiểm xã hội, thanh toán bằng hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, hệ thống xét nghiệm kết nối hai chiều LIS-HIS tại Khoa Xét nghiệm bảo đảm việc liên thông dữ liệu cận lâm sàng, với việc các bác sĩ có thể xem kết quả trực tiếp trên hệ thống phần mềm.
Riêng đối với hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS), hiện tại bệnh viện đang chạy thử nghiệm giai đoạn 1 nên bước đầu có thể xem hình ảnh trên hệ thống, trả kết quả trên mạng và vẫn phải in film. Bệnh viện cũng có hệ thống quản lý văn bản nội bộ sử dụng chung với hệ thống quản lý văn bản toàn tỉnh, giảm thiểu việc in ấn giấy tờ...
Ngoài ra, bệnh viện đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử trong cơ quan nhà nước trực thuộc Sở Y tế, cụ thể là qua phần mềm i-Office, với 100% hoạt động quản lý văn bản điều hành, thư điện tử đã thực hiện trên môi trường mạng và được ký số. Việc thực hiện kết nối liên thông với Sở Y tế và tất cả các đơn vị y tế khác trong tỉnh là tiền đề để BVĐK tỉnh xây dựng "bệnh viện thông minh".
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai phòng telehealth nhằm hội chẩn trực tuyến với Đại học Y Hà Nội và các bệnh viện nằm trong chương trình phối hợp |
Triển khai phòng telehealth
Để triển khai có hiệu quả các chương trình phối hợp với các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến trên, đồng thời thực hiện song song các biện pháp phòng, chống dịch, từ giữa năm 2021, BVĐK tỉnh đã triển khai phòng telehealth nhằm hội chẩn bệnh nhân trực tuyến với Đại học Y Hà Nội vào thứ 5 hàng tuần. Đến nay, bệnh viện đã tham gia khoảng 33 phiên hội chẩn trực tuyến với Đại học Y Hà Nội.
Thông qua phòng telehealth, các chương trình hợp tác phát triển y tế như Đề án 1816, Đề án "Bệnh viện vệ tinh"… ngày càng thể hiện được tính ưu việt trong việc hỗ trợ lẫn nhau về chuyên môn khám chữa bệnh. Hàng tháng, đội ngũ y, bác sĩ các khoa sẽ tham gia các buổi chia sẻ chuyên môn trực tuyến với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tổ chức vào sáng thứ 5 của tuần cuối cùng của tháng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh viện tham gia các lớp đào tạo trực tuyến của Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trên như: hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng và tự chăm sóc một số bệnh sau mắc Covid-19; điều trị sốt xuất huyết, tay chân miệng; điều trị hậu Covid; hướng dẫn phát hiện và điều trị lao tiềm ẩn…
Ngoài các lớp trực tuyến tại phòng telehealth, bệnh viện còn hướng dẫn các bác sĩ tham gia đào tạo trực tuyến tại khoa, phòng qua phần mềm họp trực tuyến Zoom được cài đặt trên điện thoại hoặc máy tính cá nhân.
Bác sĩ Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, phụ trách BVĐK tỉnh cho biết: "Từ giữa năm 2021, bệnh nhân đi khám chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho thẻ BHYT giấy. Để tạo thuận lợi cho bệnh nhân, bệnh viện đã đầu tư các máy đầu đọc để quét mã QR code. Việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT, cùng với triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT, giúp cho thông tin được công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bệnh".
|
Theo Báo Đắk Nông điện tử