Nội dung bài viết
Ngày 27/7/2022, UBND tỉnh ban hành công văn số 4176/UBND-KT về tăng cường quán triệt việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong các cơ quan, đơn vị và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực; tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2019 và năm 2021.
Tuy nhiên, thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông tiếp tục là vấn đề nhức nhối hiện nay. Để thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông ít nhất 5% so với năm 2021 cả về số vụ, số người chết, bị thương; ngăn ngừa các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn, đặc biệt là trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang nhân dân Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
Thường xuyên quán triệt, chỉ đạo việc chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; công điện số 488/CĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia; yêu cầu cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu, bia; gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông; có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu, tập thể liên quan.
Nghiêm cấm người đứng đầu, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương can thiệp, tác động vào quá trình xử lý hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của lực lượng chức năng; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để cán bộ, công nhân viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm.
Giao Công an tỉnh
Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông và Công an địa phương tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đặc biệt là công tác kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất ma túy. Đối với các trường hợp vi phạm phải thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý để xem xét, xử lý theo quy định.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định pháp luật, quy trình công tác theo quy định của Bộ Công an đối với lực lượng Cảnh sát giao thông, không để tồn tại tình trạng cán bộ chiến sĩ nể nang, né tránh hoặc tiêu cực dẫn đến việc bỏ qua hành vi vi phạm, lập biên bản xử lý không đúng lỗi vi phạm của tổ chức, cá nhân...
Giao Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể
Phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương tăng cường tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông nói chung và do vi phạm về nồng độ cồn nói riêng để nâng cao nhận thức của người dân, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc "đã uống rượu, bia - không lái xe". Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, hạ tầng số và vào các khung giờ vàng trên sóng truyền hình.
Giao Sở Y tế và các sở, ngành liên quan
Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, theo quy định của Nghị định của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, góp phần ngăn chặn vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Giao Ban An toàn giao thông huyện, thành phố
Thường trực theo dõi, đôn đốc các cơ quan thành viên thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 16/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Giao Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh
Phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công văn này; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện và báo cáo hàng tuần về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
Thảo Diệp