Nội dung bài viết

Giữ màu xanh cho Tà Ðùng
Ngày đăng 03/09/2022 | 15:30  | View count: 5669

Vượt qua nhiều khó khăn, Vườn quốc gia (VQG) Tà Đùng đã và đang nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Sự nỗ lực ấy đang góp phần quan trọng để giữ gìn màu xanh cho Tà Đùng nói riêng, Đắk Nông nói chung.

Cảnh quan kỳ vỹ

Những năm gần đây, hồ Tà Đùng đã trở thành thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài nước. Với diện tích hàng ngàn héc ta mặt nước với hơn 47 hòn đảo lớn nhỏ, hồ Tà Đùng được ví như "Vịnh Hạ Long thu nhỏ trên Tây Nguyên", tạo ra sức hấp dẫn lớn cho du khách.

Thắng cảnh này nằm trong khuôn viên của VQG Tà Đùng. Ngoài cảnh đẹp hồ nước, VQG còn có đỉnh Tà Đùng cao 1.982m. Đây là điểm cao nhất của Đắk Nông, khí hậu mát mẻ quanh năm và được đánh giá đặc biệt phù hợp cho các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Hồ Tà Đùng là điểm nhấn đặc sắc nhất trong VQG Tà Đùng

VQG Tà Đùng có diện tích hơn 24.500 ha. Địa phận VQG nằm trên địa bàn 7 xã giáp ranh, thuộc 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Tổng diện tích rừng theo quy hoạch của VQG Tà Đùng gần 21.000 ha. Độ che phủ rừng đạt khoảng 85% diện tích.

Sở hữu diện tích rừng lớn, VQG Tà Đùng có nguồn tài nguyên động thực vật vô cùng phong phú. VQG có đặc trưng bởi kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp nên có giá trị đa dạng sinh học cao.

Theo thống kê, VQG Tà Đùng hiện có 1.406 loài thực vật bậc cao, trong đó có 89 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, có 69 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 27 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN. Hệ động vật có 574 loài thuộc 38 bộ, 124 họ. Trong đó, có 37 loài thuộc diện quý hiếm cần bảo vệ, 34 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007)...

VQG Tà Đùng có hệ sinh thái rừng phong phú (ảnh lớn) với nhiều loại động vật quý

Không chỉ có thiên nhiên, VQG Tà Đùng còn chứa đựng cả tài nguyên nhân văn. Xung quanh VQG là cộng đồng các dân tộc M'nông - Mạ, Mông, Dao... Các cộng đồng này còn lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc.

Ngoài ra, cộng đồng các dân tộc di cư từ phía Bắc cũng mang theo nhiều nét văn hóa độc đáo. Hiện cộng đồng xung quanh VQG Tà Đùng có khoảng 36 dân tộc cùng sinh sống. Điều này đã tạo ra một sự giao thoa rất lớn về văn hóa mà khó nơi nào có được.

Quản lý, bảo vệ tốt

Từ trước tới nay, VQG Tà Đùng luôn xem công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của VQG luôn bám sát, kiểm soát tốt địa bàn. Nhờ vậy, trên lâm phần quản lý của VQG những năm qua gần như không xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.

Công tác phòng cháy chữa cháy rừng cũng được đơn vị chú trọng. Hàng năm, VQG Tà Đùng chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả phương án phòng cháy chữa cháy rừng. Hơn 10 năm qua, VQG không để xảy ra vụ cháy rừng nào đáng kể trong lâm phần.

Việc phát triển rừng tại Tà Đùng là một "điểm sáng". Giai đoạn 2014 - 2021, VQG Tà Đùng đã trồng mới được 617,47 ha theo chương trình trồng rừng thay thế. Ngoài diện tích trồng rừng tập trung, đơn vị triển khai trồng thí điểm rừng bán ngập tại lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3. Qua theo dõi, cây trồng phát triển tương đối tốt, đạt mục tiêu đề ra.

Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận giao khoán bảo vệ, phát triển rừng cùng VQG Tà Đùng

Theo Giám đốc VQG Tà Đùng Khương Thanh Long, những năm qua, đơn vị luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc sống gần rừng. VQG thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hàng chục đợt tuyên truyền đến cấp thôn, bon và ký cam kết với hàng trăm hộ dân.

VQG Tà Đùng khá thành công với việc giao khoán bảo vệ rừng cho đồng bào tại chỗ. Giai đoạn 2017 - 2020, VQG đã giao khoán cho 201 hộ đồng bào sống tại vùng đệm với diện tích 6.030 ha, tiền nhận khoán hơn 21,6 tỷ đồng. Mức chi trả cho người dân nhận khoán bảo vệ rừng từ 20-25 triệu đồng/hộ/năm.

Giai đoạn 2021 - 2025, VQG Tà Đùng đã phê duyệt và thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho 153 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đệm. Diện tích giao khoán là hơn 3.000 ha với kinh phí chi trả ước trên 16 tỷ đồng.

Đồ họa: Lê Phước

Những năm qua, VQG Tà Đùng cũng chú trọng công tác hỗ trợ phát triển vùng đệm. VQG đã hỗ trợ cho khu vực vùng đệm phát triển kinh tế, xây dựng công trình công cộng với tổng kinh phí gần 3,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VQG thường xuyên với các trường đại học, các tổ chức trong nước để thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học. Mục tiêu của VQG là từng bước ổn định cơ sở dữ liệu và bảo tồn đa dạng sinh học tại lâm phần.

Mong được quan tâm hơn nữa

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khó khăn nhưng VQG Tà Đùng cũng đang chịu những khó khăn chung của ngành Lâm nghiệp. Cơ chế chính sách hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng còn rất hạn chế, chưa tương xứng với trách nhiệm, áp lực của họ.

Hiện tổng số công chức, viên chức và người lao động của VQG Tà Đùng có 51 người. Trong khi đó, để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thì VQG cần trên 80 người (không kể hợp đồng thời vụ). Thiếu nhân lực, đội ngũ hiện tại phải "gánh" thêm việc. Thế nhưng, thu nhập của họ hiện tại rất khiêm tốn, nhiều người chỉ đạt khoảng trên 4 triệu đồng/tháng.

Cảnh vật những cánh rừng càng thêm xanh nhờ được sự quản lý, bảo vệ tốt của VQG Tà Đùng

Cơ sở hạ tầng của VQG Tà Đùng còn hết sức hạn chế. Hiện VQG chưa có trụ sở làm việc của Hạt Kiểm lâm VQG và các trạm kiểm lâm chưa được đầu tư kiên cố. Các công trình phụ trợ gần như không có. Hệ thống trang thiết bị còn thiếu thốn, lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu…

Trước những khó khăn trên, VQG Tà Đùng đã tăng cường sự đoàn kết trong đơn vị, phát huy vai trò của các tổ chức để quan tâm hơn đến người lao động. Công tác tuyên truyền, vận động và kết nối với người dân vùng đệm được đơn vị thực hiện rất tốt. Sự đồng thuận, ủng hộ của người dân đã góp phần giảm sức ép lên tài nguyên rừng và giảm bớt áp lực cho VQG.

Giám đốc VQG Tà Đùng Khương Thanh Long chia sẻ: Chúng tôi mong được quan tâm, hỗ trợ thêm về kinh phí, cơ sở hạ tầng để từng bước đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đặc biệt, chúng tôi rất mong có cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành Lâm nghiệp. Chỉ khi bố trí đủ nhân lực và có chính sách quan tâm đặc biệt, người lao động, đặc biệt là lực lượng trực tiếp bảo vệ rừng mới yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

 

Theo Báo Đắk Nông Điện tử